Chiều 5/4, Bệnh viện Quân Y 175 đón nhận 5 bệnh nhân nhập viện cấp cứu do bị bỏng. Trong đó, một người bị tổn thương quá nặng nên đã không qua khỏi. Cả 4 người còn lại đều là người nhà của Trần Châu Phi Long, bao gồm cha mẹ và vợ chồng người em gái.
Cả gia đình Phi Long làm nghề lượm ve chai hàng chục năm nay. Họ mướn nhà trọ trên đường An Phú Đông, Q.12, TP.HCM. Phi Long nhớ lại, trưa ngày 5/4, cũng như những hôm trước đó, mọi người tranh thủ ngủ thêm một chút để chiều mát đi lượm, tối về muộn. Đang ngủ thì nghe tiếng la hét thất thanh: “Cháy. Cháy rồi”, Long giật mình, bật dậy, chỉ kịp cứu 5 người đang trong đám cháy ra rồi xối nước lên người họ để chữa bỏng. Sau đó hô hoán hàng xóm hỗ trợ đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, một người làm cùng không may bị bỏng quá nặng nên đã qua đời. Đến nay, khi sự việc đã qua được 2 ngày nhưng Long vẫn chưa kịp “hoàn hồn”.
Ông Trần Thanh Sĩ bị tổn thương tới 80% cơ thể, hiện đang phải sử dụng máy thở, gia đình chưa được vào thăm |
Trong số 4 người thân trong gia đình, ba của Long bị nặng nhất, ông bị tổn thương 80% cơ thể, hiện đang phải thở máy. Còn mẹ và em gái của Long bị tổn thương hơn 50% cơ thể, đến nay vẫn đang hôn mê, chỉ còn người em rể bị bỏng ở 2 chân là tinh thần tỉnh táo. Tất cả mọi người nằm bệnh, chỉ có mình Long chạy đi chạy lại lo liệu.
“Nói là lo liệu, chứ kỳ thực, lúc bác sĩ yêu cầu đóng tạm ứng cho mọi người, mỗi người 5 triệu đồng, tôi như chết điếng, chỉ biết lắc đầu và khóc. Tôi không có tiền, cũng chẳng biết làm sao để xoay sở ra. Tôi đánh liều cầu xin mọi người giúp đỡ. Các bác sĩ thương tình, mỗi người quyên góp cho chút ít đóng viện phí, và tiền thuốc thang”, Long chia sẻ.
Hai hôm nay, Phi Long thường đứng cạnh giường nhìn mẹ, ánh mắt mong mỏi, khẩn cầu mẹ mau chóng tỉnh lại |
Ở viện chăm cha mẹ và em gái đang hôn mê, nhưng nhiều khi, Long có cảm giác mình như người thừa. Bởi để điều trị cho người thân thì Long cần rất nhiều tiền, mà Long thì không lo được. Cứ lúc lúc, Long chạy lên nhìn cha qua lớp cửa kính, muốn hỏi cha xem phải làm cách nào. Tần ngần ngắm cha được một lát, Long lại chạy về chỗ mẹ và em gái. Không một cái nắm tay, cũng chẳng ai nói cho Long biết nên làm gì lúc này.
Nhiều năm trước, gia đình Long ở nhờ nhà ông bà ngoại, khi ông bà qua đời, gia đình đi thuê ở trọ. Cuộc sống nghèo khó, nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác, Long chưa kịp học hết lớp 2 thì cũng nghỉ để theo nghề của cha mẹ.
“Làm nghề này vất vả lắm, ban ngày có nhiều người đi lượm nên khi lớn hơn chút thì tôi chuyển sang ban đêm để bớt người tranh giành. Vậy nhưng hôm nào cao điểm lắm, cả gia đình cũng chỉ kiếm được hơn 300 nghìn đồng, trong khi cả chục miệng ăn”.
Ấy vậy nhưng không làm nghề này, Long cũng chẳng biết làm gì khác. Từng vài lần, Long làm hồ sơ đi xin việc trong các công ty nhưng đều bị từ chối vì chỉ học hết lớp 2. Riết rồi, Long cũng nản, không còn ý định tìm một công việc ổn định nữa.
Em gái của Long hiện cũng đang hôn mê chưa tỉnh |
Hiện tại, cha mẹ và em gái của Long cần rất nhiều tiền để điều trị lâu dài, mà Long thì đã hết cách. “Bên nhà nội từ lâu đã không ngó ngàng đến gia đình tôi, còn nhà ngoại, sau khi ông bà mất thì cũng xa cách. Đến giờ, sau khi căn nhà trọ bị cháy, mà chúng tôi cũng chưa biết nguyên nhân tại sao, thì chủ nhà đang đòi đuổi. Tôi thực không biết phải làm sao bây giờ!”, Long cúi thấp người. Chàng trai 28 tuổi lúc này như già thêm cả vài chục tuổi.
Ban Công tác xã hội Bệnh viện Quân Y 175 cũng đang giúp đỡ gia đình bằng cách kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc kêu gọi có phần gặp khó khăn. Vì vậy, thông qua Báo VietNamNet, gia đình khẩn cầu các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ để các bệnh nhân có thể vượt qua giai đoạn nguy kịch.
Khánh Hòa
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: |
Con trai bại não, con gái ung thư, gia đình nghèo rơi vào bế tắc
Sau hơn 2 năm điều trị cho con gái út bị bướu tế bào mầm cùng cụt, cùng với 7 năm ròng chăm con trai bại não, vợ chồng chị Hằng đã bước vào đường cùng, không còn xoay sở vay mượn thêm được nữa.