- Tôi đến tiệm rửa xe, thế là chủ tiệm xe bảo để anh ta đánh xe vào cho. Khi anh ta đánh xe vào gara không may bị tông vào cái cột nhà làm đầu xe của tôi bị bẹp. Chi phí sửa xe hết khoảng 15 triệu đồng. Nếu như anh ta không trả thì tôi phải làm sao để bắt anh ta bồi thường thiệt hại này. Vậy lỗi này là lỗi của tôi hay lỗi của chủ xe. Xin luật sư giải đáp giùm. Bạn đọc ở Sài Gòn.
Tin bài khác:
Luật sư Nguyễn Thành Công tư vấn: Với những dữ kiện trên, tôi nhận định đây là một tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định trong BLDS và chủ tiệm rửa xe phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra cho xe của anh dựa vào các quy định pháp luật như sau :
Vấn đề chuyển giao xe từ anh cho chủ tiệm rửa xe là hành động hợp pháp. Thời điểm chuyển giao xe là chuyển đổi quyền quản lý xe tử chủ xe sang cho người thực hiện dịch vụ nên các vấn đề phát sinh liên quan kể từ khi giao xe thuộc trách nhiệm của người quản lý hiện tại (chủ tiệm rửa xe).
Do đã có thiệt hại xảy ra nên theo Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Ảnh minh họa. |
Theo đó trong trường hợp, để xác định nghĩa vụ bồi thường thiệt hại này thuộc về ai, ta cần làm rõ yếu tố lỗi bởi lỗi là điều kiện đầu tiên phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Xác định lỗi
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau:
- Phải có thiệt hại xảy ra: thiệt hại ở đây được xác định là thiệt hại về tài sản - chiếc xe ô tô bị bẹp đầu và được sửa chữa với chi phí là 15 triệu đồng.
- Phải có hành vi trái pháp luật : hành vi trái pháp luật ở đây được xác định là hành vi xâm phạm đến tài sản của chủ sở hữu (khách) - là quyền sở hữu của cá nhân được pháp luật bảo vệ (Điều 169, 164 BLDS) - việc chủ tiệm rửa xe do không cẩn thận khi đánh xe của khách vào gara, tông vào cột nhà làm đầu xe bị bẹp.
- Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Chiếc xe bị bẹp đầu là do sự bất cẩn của chủ tiệm rửa xe khi đánh xe vào gara.
- Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Lỗi ở đây được xác định là lỗi vô ý vì Chủ tiệm xe khi di chuyển xe vào vị trí cần thiết do thao tác, phán đoán sai mà gây ra va quẹt. Như vậy đủ căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đặt ra cho chủ tiệm rửa xe.
Liên quan đến việc bồi thường, anh cần xem xét kỹ các quy định như sau :
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Theo quy định tại Điều 605 BLDS
Điều 605. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy đinh khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước cơ thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Phương thức giải quyết khi có tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Khi nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm, chủ sở hữu có quyền yêu cầu Toà án bảo vệ, BLTTDS có quy định
Điều 4. Quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
Cá nhân, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, …tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, theo khoản 6 Điều 25 BLTTDS
Điều 25. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án
6. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;
Theo đó thì sau khi xác định được lỗi, có đủ căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường của chủ tiệm rửa xe, nếu không đi đến được một sự thoả thuận, chủ sở hữu chiếc xe có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại. Theo điểm a) khoản 1 Điều 33 BLTTDS thì thẩm quyền giải quyết thuộc về TAND cấp huyện.
Tuy nhiên, để có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chủ sở hữu phải tự mình cung cấp được chứng cứ chứng minh được trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ tiệm rửa xe.
Điều 6. Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự
1. Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Toà án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Theo đó thì để chứng minh yêu cầu kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của mình thì chủ sở hữu phải cung cấp được chứng cứ, có thể là video ghi lại hình ảnh lúc chiếc xe đâm vào cột, xác nhận của những người xung quanh chứng kiến sự việc (phải đảm bảo là người thứ ba ngay tình), lời khai xác nhận từ phía chủ tiệm rửa xe về việc đánh dùm xe vào gara,…
Tư vấn bởi Công ty Đông phương luật - Đoàn luật sư TP.HCM
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)