- Công ty đã ký hợp động xác định thời hạn với tôi sau 3 lần rồi vẫn không ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì có đúng luật không?

TIN BÀI KHÁC:

Tôi xin nhờ văn phong luật sư tư vấn, giải đáp giúp cụ thể như sau: Tôi vào làm việc tại trung tâm XKLĐ thuộc một công ty từ năm 2004. Sau khi thử việc một thời gian thì tôi được giám đốc Trung tâm XKLĐ ký hợp đồng lao động là không xác định thời hạn (Giám đốc Trung tâm XKLĐ có quyết định của Công ty bổ nhiệm).

Đến năm đầu 2009, thì Trung tâm XKLĐ do mâu thuẫn nội bộ và làm ăn kém nên tạm dừng hoạt động theo nghị quyết của HĐQT công ty, phần lớn các cán bộ của trung tâm đều nghỉ việc hoặc chuyển đi làm việc khác, chỉ còn lại 2-3 người ở lại để xử lý và giải quyết các công việc còn tồn đọng của Trung tâm trước đây và trong đó có tôi.

Khi đó hợp đồng lao động và hồ sơ của tôi chuyển về công ty thì công ty cho biết hợp đồng đó giám đốc Trung tâm ký là không hợp lệ nên công ty lại ký hợp đồng lao động xác định thời hạn với tôi là một năm, kể từ năm 2009 đến nay. Có nghĩa là tính đến ngày 01/10/2013 sắp tới này là hết lần gia hạn hợp đồng thứ 4 (tôi vẫn giữ 4 bản hợp đồng xác định thời hạn đã ký với công ty).

Vậy tôi xin hỏi theo luật lao động trong trường hợp của tôi Công ty đã ký hợp động xác định thời hạn với tôi sau 3 lần rồi vẫn không ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì có đúng luật không? Không đúng luật thì công ty phải bị xử lý như thế nào, nếu bây giờ tôi muốn đòi hỏi quyền lợi có được không?

Và nếu đến hết lần gia hạn hợp đồng thứ 4 mà công ty vẫn tiếp không ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn nữa với tôi nữa và cho tôi nghỉ việc vậy tôi có được pháp luật bảo vệ quyền lợi không?

Rất mong sớm nhận được lời giải đáp của quý văn phòng luật sư. Tôi xin cảm ơn!

{keywords}
Ảnh minh họa

Luật sư tư vấn:

Dựa trên những thông tin mà bạn cung cấp, Văn phòng Luật sư Phans trả lời bạn như sau:

Liên quan đến thẩm quyền giao kết Hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người lao động theo điểm 1, mục II Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 9 năm 2003 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/05/2003 của Chính phủ về Hợp đồng lao động quy định rằng: Người đứng đầu chi nhánh có thẩm quyền giao kết HĐLĐ với người lao động.

Do đó, việc Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động ký kết HĐLĐ với người lao động là phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau khi Trung tâm xuất khẩu lao động bị tạm ngưng hoạt động nên chuyển hồ sơ của người lao động về công ty mẹ và yêu cầu người lao động ký HĐLĐ mới thay thế HĐLĐ đã ký vì lý do sai thẩm quyền. Lý do này không phù hợp với quy định pháp luật, người lao động có quyền từ chối ký kết HĐLĐ mới và HĐLĐ cũ vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp lý. HĐLĐ được ký kết dựa trên tinh thần tự nguyện và thỏa thuận giữa hai bên, khi bạn đã ký kết vào HĐLĐ mới có nghĩa là bạn đồng ý với thỏa thuận này.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Bộ luật lao động hiện hành, chỉ được ký hai HĐLĐ có xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến 36 tháng) liên tiếp nhau, nếu sau đó người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn. Trong trường hợp công ty ký kết HĐLĐ loại một năm với bạn liên tiếp 4 lần là đã vi phạm quy định của Bộ luật lao động hiện hành. Về mặt pháp luật, HĐLĐ lần thứ ba mà bạn ký kết với Công ty là HĐLĐ không xác định thời hạn.

Pháp luật sẽ bảo vệ quyền lợi của bạn khi có tranh chấp giữa Công ty và người lao động. Khi hết hạn HĐLĐ này, bạn có thể yêu cầu Công ty ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn. Trong trường hợp Công ty không tiếp tục ký kết HĐLĐ và chấm dứt HĐLĐ này thì bạn có thể gửi yêu cầu đến hòa giải viên lao động để giải quyết tranh chấp lao động này.

Tư vấn bởi luật sư Phan Vũ Tuấn Văn phòng Luật sư Phans (Phan Law Vietnam).

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).