- Hiện tôi đang có 1 căn hộ chung cư cần bán, giấy tờ tôi đang có là hợp đồng mua bán (khi tôi mua căn nhà) được công chứng trước ngày đăng ký kết hôn nhưng sổ hồng của tôi ra sau ngày đăng ký kết hôn!

TIN BÀI KHÁC

Như vậy tài sản này có được coi là tài sản riêng của tôi không? (tôi và chồng chỉ thỏa thuận miệng đây là tài sản riêng của tôi). Nếu không phải là tài sản riêng thì tôi phải chuẩn bị giấy tờ gì để có thể bán được căn hộ này (chồng tôi đang ở nước ngoài nên không tiện về để ký xác nhận)

Luật sư tư vấn:

Theo điều 27 và điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (luật HN&GĐ) quy định, nếu bạn mua căn nhà trước khi kết hôn và tiền mua nhà là tài sản riêng của bạn, thì căn nhà sẽ là tài sản riêng của bạn. Tuy nhiên, vì Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (GCNQSHNƠ) lại được cấp sau khi bạn đã kết hôn nên cần phân biệt.

Thứ nhất: Trong trường hợp GCNQSHNƠ ghi tên chủ sở hữu là cả hai vợ chồng bạn thì việc này sẽ là căn cứ xác định bạn đã nhập căn nhà này vào khối tài sản chung của của vợ chồng bạn và vì vậy, căn nhà sẽ là tài sản chung của vợ chồng bạn. Do đó, việc định đoạt đối với căn nhà này phải dựa trên sự thỏa thuận, thống nhất của hai vợ chồng bạn.

{keywords}
(ảnh minh họa)

Thứ hai: Trong trường hợp, trên GCNQSHNƠ chỉ có tên bạn là chủ sở hữu thì đó sẽ là một căn cứ để chứng minh căn nhà là tài sản riêng của bạn. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định:

+) “Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung” (Khoản 2 Điều 23 Luật HN& GĐ)

+) “Trong trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thoả thuận của cả vợ chồng”. (Khoản 5 Điều 33 Luật HN&GĐ)

+) “1. Trong trường hợp việc xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn của vợ chồng hoặc tài sản chung là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng nhưng tài sản đó đã đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức phát sinh là nguồn sống duy nhất của gia đình mà pháp luật quy định giao dịch đó phải tuân theo hình thức nhất định, thì sự thoả thuận của vợ chồng cũng phải tuân theo hình thức đó (lập thành văn bản có chữ ký của vợ, chồng hoặc phải có công chứng, chứng thực...);2. Đối với các giao dịch dân sự mà pháp luật không có quy định phải tuân theo hình thức nhất định, nhưng giao dịch đó có liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình hoặc giao dịch đó có liên quan đến việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng nhưng đã đưa vào sử dụng chung và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó là nguồn sống duy nhất của gia đình, thì việc xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch đó cũng phải có sự thoả thuận bằng văn bản của vợ chồng.” (Điều 4 Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ)

Do đó, để có thể làm thủ tục chuyển nhượng căn nhà, bạn vẫn phải cung cấp chứng cứ xác nhận căn nhà này là tài sản riêng của bạn và bạn chưa nhập căn nhà này vào tài sản chung của vợ chồng bạn, đồng thời đây cũng không phải là nguồn sống duy nhất của gia đình, đó là văn bản xác nhận của chồng bạn về việc căn nhà là tài sản riêng của bạn và bạn có toàn quyền định đoạt đối với căn nhà.

Vì chồng bạn đang ở nước ngoài (không thể về nước) để thực hiện thủ tục chuyển nhượng căn nhà nên chồng bạn có thể đến Đại sứ quán, hoặc Lãnh sự quán Việt Nam tại nước nơi chồng bạn đang cư trú, để lập Giấy ủy quyền cho bạn có quyền thay mặt chồng bạn định đoạt căn nhà (trong trường hợp thứ nhất), hoặc Văn bản xác nhận căn nhà là tài sản riêng của bạn và bạn có toàn quyền định đoạt đối với căn nhà này.

Tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự