- Tôi có một nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu này thuộc sở hữu của công ty tôi (tức chủ văn bằng là công ty). Nhãn hiệu này có tên trùng với tên thương mại của công ty.
TIN BÀI KHÁC
Bây giờ tôi muốn làm thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu này cho cá nhân tôi có được không (tôi là đại diện của công ty). Thủ tục chuyển nhượng như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Nhãn hiệu và Tên thương mại là hai thuật ngữ pháp lý khác nhau. Quyền của chủ sở hữu đối với nhãn hiệu và tên thương mại gọi là Quyền sở hữu trí tuệ (quyền SHTT) quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.
Điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cho phép chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp được chuyển nhượng quyền của mình cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng chuyển nhượng quyền SHTT bằng văn bản. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 139 Luật này:
- Chỉ được chuyển nhượng trong phạm vi được bảo hộ;
- Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc về hàng hóa, dịch vụ mang tên nhãn hiệu;
- Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó
Căn cứ Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 thì cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải là chủ thể kinh doanh hợp pháp và muốn đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, hàng hóa mình cung cấp, hay đưa ra thị trường,…
Ngoài ra, nếu bạn muốn nhận chuyển nhượng tên thương mại bạn cần đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 điều 139 luật này: “Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó”.
Tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng luật Giải Phóng
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).