- Việc nuôi con riêng của chồng tôi, chúng tôi cũng thỏa thuận sẽ nuôi cháu ăn học như những đứa con chung.
TIN BÀI KHÁC:
Khi chúng tôi lấy nhau chồng tôi đã có 2 đứa con riêng, một đứa ở với mẹ, một đứa ở với chồng tôi. Tôi lấy chồng tôi và chấp nhận để cháu sống chung với vợ chồng tôi ở nhà tôi (nhà này do hai vợ chồng tôi mua).
Việc nuôi con riêng của chồng tôi, chúng tôi cũng thỏa thuận sẽ nuôi cháu ăn học như những đứa con chung. Tuy nhiên, tôi lại không muốn nhận cháu như một đứa con nuôi để tránh sau này gặp phiền phức. Vậy tôi phải làm như thế nào hay chỉ cần thỏa thuận miệng với chồng như thế thôi, nhờ luật sư tư vấn giúp.
Ảnh minh họa |
Luật sư tư vấn:
Đây là vấn đề rất tế nhị và nhạy cảm trong ứng xử liên quan đến tình cảm lại hệ lụỵ pháp lý nếu xử sự không khéo và chặt chẽ.
Bạn có quyền không nhận con riêng của chồng làm con nuôi.
Theo các quy định của pháp luật, việc nhận con nuôi phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu không muốn, bạn không cần phải đăng ký nhận con riêng của chồng làm con nuôi. Khi đó, sẽ không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa bạn và con riêng của chồng với tư cách mẹ, con nuôi mà pháp luật nước ta quy định không khác với con ruột.
Tuy nhiên, nếu giữa bạn và con riêng của chồng có phát sinh quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như mẹ con thì con riêng của chồng vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật phần tài sản của bạn. Quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng này thể hiện qua lại giữa 2 bên một cách mật thiết. Nếu chỉ một bên (nuôi) hoặc bên kia (dưỡng) không tương ứng thì không được hưởng thừa kế của nhau.
Vì bạn đặt vấn đề xác định rõ từ đầu là không muốn nhận là con nuôi để tránh phiền phức về tài sản thì có thể lập di chúc để lại phần tài sản cho con của bạn. Khi đó, chỉ người con của bạn được hưởng phần tài sản mà bạn để lại.
Cơ sở pháp lý:
Theo khoản 3 điều 3 Luật con nuôi quy định: “Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký”.
Theo điểm a, khoản 1, điều 675 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây: Không có di chúc”.
Theo điểm a, khoản 1 và khoản 2 điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.
Theo Điều 679 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này”.
LS Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật- Đoàn Luật sư TP.HCM 120 Sương Nguyệt Anh, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM. ĐT: 0906633168-08.62906420.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).