- Hai năm sau hội thảo lần thứ nhất, ngày 26/4, Bộ Ngoại giao và Học viện Ngoại giao sẽ tổ chức ở Hà Nội hội thảo khoa học quốc gia lần hai về Biển Đông với sự tham dự của các học giả, nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực.
'Không có chỗ cho hành động đơn phương ở Biển Đông'
Với chủ đề “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: Lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế”, hội thảo lần này là diễn đàn quy tụ khoảng 80 đại biểu là các cán bộ nghiên cứu lão thành, đại diện các cơ quan nghiên cứu trong nước, các học giả độc lập từ nhiều lĩnh vực liên quan đến Biển Đông.
Diễn đàn mở này nhằm tập hợp rộng rãi các ý kiến, đánh giá về tình hình Biển Đông trong thời gian qua và kiến nghị chính sách cho Việt Nam thời gian sắp tới. Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận 4 vấn đề: cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam và các bên liên quan; đánh giá các diễn biến gần đây tại Biển Đông; đánh giá vai trò Công ước LHQ về Luật biển và hợp tác khu vực; và kiến nghị các hướng chính sách của Việt Nam.
|
Đảo Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Chu Thanh Vân |
Hội thảo quốc gia lần thứ hai về Biển Đông được tổ chức trong bối cảnh tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến mới, phức tạp.
Trung Quốc có một số điều chỉnh chính sách theo hướng cứng rắn hơn trên thực địa, đặc biệt là tại Biển Đông. Nước này cũng liên tục tiến hành tập trận ở vùng biển đang tranh chấp chủ quyền cũng như công bố các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương phía nam bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa.
Một hai năm trở lại đây, người ta cũng nhắc nhiều đến việc Mỹ quay trở lại khu vực và có một số điều chỉnh chính sách đối với vấn đề an toàn hàng hải và tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Cùng với sự thay đổi về chính sách của các nước lớn, một số nước ASEAN như Indonesia, Philippines cũng đã bắt đầu có những điều chỉnh chính sách nhất định.
Ngoài ra, một loạt diễn biến mới từ năm 2009 liên quan đến báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa của các nước trong khu vực và phản ứng của các nước liên quan cũng cần có sự phân tích, nhận định thấu đáo.
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vẫn đang là cơ chế ràng buộc được các quốc gia liên quan theo đuổi và kiên trì đàm phán để tiến tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Hội thảo quốc gia lần đầu tiên về Biển Đông được tổ chức tháng 3/2009 với chủ đề "Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế" đã mở ra cách tiếp cận mới công khai hóa, phi nhạy cảm hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Hội thảo này diễn ra trong bối cảnh biển Đông “nổi sóng” sau vụ va chạm giữa tàu Mỹ Impeccable và một số tàu Trung Quốc. Cùng lúc đó, Malaysia tiến hành thị sát quần đảo Trường Sa còn Philippines công bố Đạo luật đường cơ sở bao gồm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Hội thảo đã đưa ra những chứng cứ lịch sử khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, cũng như nhận định những tranh chấp thời điểm đó đã đẩy Biển Đông thành vấn đề quốc tế. Việc giải quyết tranh chấp cần có sự công khai, minh bạch và tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung của các quốc gia liên quan, vì an ninh khu vực và thế giới.
Ngoài ra, đã có 2 hội thảo quốc tế về Biển Đông được tổ chức, lần thứ nhất vào tháng 11/2009 tại Hà Nội và lần thứ hai vào tháng 11/2010 tại TP.HCM.
Chung Hoàng
COC không là phương
tiện hạ cơn khát lãnh thổ Biển Đông
Ngẫm về bộ quy tắc
ứng xử ở Biển Đông
Biển Đông: Nền tảng
của thịnh vượng hay nơi đấu khẩu?
Biển Đông: Bàn cờ
cho những tính toán chiến lược
Biển Đông và sự phụ
thuộc lẫn nhau
Chính sách nào cho
Biển Đông hòa bình?