- Ông Phạm Hải Anh, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) đã trả lời phỏng vấn VietNamNet nhân dịp Việt Nam phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thay mặt Nhà nước Việt Nam ký Hiệp ước |
Ngày 17/5/2018, Việt Nam đã nộp văn kiện phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (VKHN) cho Tổng thư ký LHQ. Ông cho biết ý nghĩa của việc này?
- Ngày 17/5/2018 vừa qua Việt Nam đã chính thức nộp văn kiện phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân cho Tổng thư ký LHQ, trở thành nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước này.
Theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, việc phê chuẩn một điều ước quốc tế là hành vi pháp lý thể hiện việc Việt Nam chấp nhận sự ràng buộc của điều ước đã ký.
Việc này đã hoàn tất quá trình ký kết Hiệp ước này, gồm việc thương lượng và cùng với trên 122 nước thành viên LHQ thông qua nội dung Hiệp ước vào tháng 7/2018.
Tiếp đó, ngay sau khi Hiệp ước được mở ký, ngày 22/9/2017, tại trụ sở LHQ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thay mặt Nhà nước Việt Nam ký Hiệp ước.
Việc Việt Nam sớm ký và phê chuẩn Hiệp ước thể hiện quan điểm nhất quán của chính sách đối ngoại Việt Nam, tinh thần yêu chuộng hoà bình, phản đối chiến tranh, chống vũ khí hạt nhân của người dân Việt Nam.
Đây một bước cụ thể góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ 12 về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, an ninh ở khu vực và trên thế giới. Vị thế của đất nước qua đó cũng được đề cao trong con mắt bè bạn quốc tế.
Ông cho biết đóng góp của Việt Nam trong quá trình đàm phán xây dựng Hiệp ước?
- Có thể nói rằng chúng ta đã tham gia đàm phán Hiệp ước này trên một tư thế hết sức chủ động và đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.
Chúng ta chủ động được là vì có thuận lợi rất lớn trong quá trình đàm phán. Đó là lập trường nhất quán về ủng hộ chống phổ biến, tiến tới giải trừ hoàn toàn và triệt để vũ khí hạt nhân.
Việt Nam đã tham gia hầu hết tất cả các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này và luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của mình. Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao trong quá trình đàm phán, kết hợp lợi ích của đất nước với xu thế chung của đại đa số các nước trên thế giới.
Đoàn đàm phán của chúng ta, gồm các thành viên nòng cốt từ Bộ Ngoại giao, cùng đại diện các bộ, ngành, đã phát huy tối đa những thuận lợi đó, bám sát các chủ trương, hết sức chủ động, tích cực tham gia đàm phán trên tinh thần trách nhiệm cao nhất. Qua đó, chúng ta đã đạt kết quả hết sức tích cực và ghi đậm dấu ấn của Việt Nam trong Hiệp ước này với hai nội dung nổi bật, chưa từng có trong sự phát triển của luật pháp quốc tế.
Chúng ta cùng với một số nước nòng cốt đưa được vào nội dung cấm đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân. Hơn thế nữa, VN là nước đi đầu kiên trì đấu tranh và đạt được việc Hiệp ước có quy định trách nhiệm của các nước sử dụng, thử nghiệm vũ khí hạt nhân phải giúp đỡ các nước bị ảnh hưởng trong việc hỗ trợ nạn nhân và khắc phục hậu quả môi trường. Có thể nói rằng nếu không có sự kiên trì, kiên định đó của Việt Nam, sẽ không có quy định này trong Hiệp ước và không có Hiệp ước như ngày hôm nay.
Ông cho biết ý nghĩa của Hiệp ước, nhất là trong bối cảnh các nước có vũ khí hạt nhân đều không tham gia Hiệp ước?
- Hiệp ước này có tầm quan trọng, ý nghĩa lớn về lịch sử, đạo lý và pháp lý. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hơn 70 năm kể từ khi LHQ có nghị quyết đầu tiên về xóa bỏ vũ khí hạt nhân, các nước đã đàm phán được một hiệp ước về cấm, giải trừ vũ khí hạt nhân, đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng chung của nhân loại về một thế giới hòa bình, không còn vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước phù hợp với đạo lý, lương tri của nhân loại về cấm loại vũ khí hủy diệt khủng khiếp nhất, đe dọa sự tồn vong của loài người và có tác động, hậu quả lâu dài đối với con người, môi trường.
Về pháp lý, khi có hiệu lực và nhiều nước tham gia, Hiệp ước sẽ tạo một chuẩn mực quốc tế mới về cấm, hướng tới giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, xây dựng một thế giới phi vũ khí hạt nhân, dần dần khi được thừa nhận rộng rãi sẽ thành một bộ phận của luật quốc tế hiện đại.
Việc đi đến cấm hoàn toàn và xoá bỏ một loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt là một quá trình lâu dài. Việc các nước có vũ khí hạt nhân có tham gia Hiệp ước hay không sẽ phụ thuộc vào lợi ích về an ninh của họ. Thế giới đã cần hơn 100 năm để thuyết phục các nước từ bỏ vũ khí hoá học.
Việc đạt được Hiệp ước Cấm VKHN năm 2017 đã là một tiến bộ vượt mong đợi của nhiều người. Các lực lượng tiến bộ cần tiếp tục đoàn kết, kiên trì đấu tranh để đạt mục tiêu cuối cùng là loại bỏ vũ khí hạt nhân. Nếu đại đa số các nước cùng phê chuẩn và thực hiện Hiệp ước, chúng ta có quyền hy vọng rằng đạo lý, lương tri và hoà bình cuối cùng sẽ chiến thắng.
Thái An