Một trong những điều kiện tiên quyết của một quốc gia khởi nghiệp là cần phải có những công dân biết khao khát làm giàu bằng sự sáng tạo từ chất xám.

Chúng ta chỉ còn hai lựa chọn, mở cửa hay là chết

Với sự kiện ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải nhìn nhận lại vị trí thật sự của VN trong chuỗi giá trị toàn cầu và trên bản đồ hội nhập.

Thuộc nhóm "lười đổi mới"

Không ai có thể phủ nhận những thành quả đạt được trong suốt 30 năm đổi mới và hội nhập. Mặc dù vậy, VN vẫn đang phải loay hoay ở giai đoạn 1 của quá trình phát triển của một nền kinh tế[1].Chúng ta vẫn chủ yếu dựa vào nguồn lực sẵn có -hoạt động xuất khẩu tài nguyên thô, gia công hay tận dụng nguồn lao động giá rẻ, chứ không phải dựa vào kỹ thuật, công nghệ và những lĩnh vực giàu chất xám.

Điều này phần nào được khẳng định qua Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 24/3/2015. Theo đó, kể từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài trung bình khoảng 7,3 tỷ USD/năm, trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu khi các tập đoàn đa quốc gia đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất lắp ráp các sản phẩm công nghệ tiên tiến như hàng điện tử, sản xuất linh kiện…

Đáng tiếc, đóng góp của VN vào chuỗi sản xuất này vẫn chỉ là lao động kỹ năng thấp với giá rẻ bèo. Hơn nữa, trong giá trị hàng hóa chế tác tại VN để xuất khẩu, có 90% nguyên liệu và linh kiện nhập.

Các ngành sản xuất khác như dệt may, giày da tình hình cũng tương tự. Ví dụ điển hình như sản phẩm giày Nike có thể gắn mác “made in Vietnam” được phân phối trên bình diện toàn cầu, với mỗi đôi giá bình quân từ một đến vài trăm USD, nhưng phần tiền công của công nhân Việt chỉ chiếm 1%. Phần có giá trị cao như ý tưởng, thương hiệu, thiết kế, nguyên phụ liệu, phân phối, marketing… đều thuộc về các quốc gia khác.

Báo cáo cũng đưa ra thống kê, chỉ có khoảng 36% doanh nghiệp VN (DNVN) hội nhập vào mạng lưới sản xuất sản phẩm xuất khẩu, 21% DNVN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan (khoảng 60%).

Đồng thời, DNVN đa phần thuộc nhóm “lười” đổi mới. Theo thống kê, cả nước hiện có gần 90% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với thế giới từ 2-3 thế hệ. Chỉ có khoảng 20% số DN tập trung đầu tư vào đổi mới sản xuất gắn với công nghệ mới, nhưng mức kinh phí chưa tới 1% doanh thu.

{keywords}

Phải nhìn nhận vị trí thật sự của VN trên bản đồ hội nhập. Ảnh minh họa

Như vậy, phần lớn doanh nghiệp VN chưa đủ năng lực gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Những DN đã tham gia thì mới dừng ở giai đoạn gia công sản phẩm hoặc nhập nguyên liệu, linh kiện về lắp ráp. Nhưng đây lại là giai đoạn “chạm đáy” của chuỗi giá trị toàn cầu, vì có giá trị gia tăng thấp nhất.

Có thể nói đó là một trong những lý do khiến gần ba thập kỷ hội nhập trôi qua, VN vẫn dừng lại ở giai đoạn thoát nghèo và loay hoay không chịu phát triển.

Trong khi đó, một số nền kinh tế có cùng xuất phát điểm như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… đã vươn lên vị trí làm chủ phần giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu và chạm tay vào sự thịnh vượng.

Họ nhanh chóng bước chân vào quỹ đạo của những quốc gia khởi nghiệp bằng việc xây dựng một đội ngũ doanh nhân tiên phong dùng chất xám để làm chủ công nghệ và dẫn dắt “sân chơi” hội nhập toàn cầu.

Hướng đến một xã hội khởi nghiệp

Một trong những điều kiện tiên quyết của một quốc gia khởi nghiệp là cần phải có những công dân biết khao khát làm giàu bằng sự sáng tạo từ chất xám.

Theo Báo cáo chỉ số khởi nghiệp của VN năm 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) công bố, chỉ có 39,4% người trưởng thành ở VN nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh. Cũng theo báo cáo, chỉ có 18,2% người trưởng thành có ý định khởi sự kinh doanh trong vòng 3 năm tới, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 40,2% của các nước có cùng trình độ phát triển với VN. Điều đáng báo động đó là tỷ lệ khởi sự kinh doanh tại VN chỉ đạt mức khiêm tốn 2% (tỷ lệ bình quân của các nước phát triển dựa vào nguồn lực là 12,4%).

Những con số khiêm tốn này hoàn toàn đối nghịch với hình ảnh hàng ngàn cử nhân nhễ nhại mồ hôi, bất chấp nắng mưa đứng xếp hàng dài cây số trên phố Giảng Võ chờ nộp hồ sơ thi tuyển công chức vào Cục Thuế Hà Nội cách đây không lâu.

{keywords}

Thí sinh mướt mải dưới trời nắng nóng để nộp hồ sơ. Ảnh: Khám phá

Làn sóng khởi nghiệp vào VN gần một thập kỷ và mang lại một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, sức lan tỏa của dường như vẫn còn bó hẹp trong một cộng đồng rất nhỏ đối với những người có điều kiện tiếp cận.

 “Để hội nhập và cạnh tranh trong một nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam phải trở thành một quốc gia khởi nghiệp”. Đó là chia sẻ của Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân tại một sự kiện hồi tháng 5 năm nay.

Nhưng muốn vậy, Nhà nước phải có những biện pháp thực tế kiến tạo nền tảng thể chế, chính sách, tài chính, nhân lực và các nguồn lực cần thiết khác hỗ trợ cho người dân khởi nghiệp. Trong đó, một số điểm cốt yếu là:

Đầu tiên, th chế hóa định hướng đưa VN phát triển theo con đường của một quốc gia khởi nghiệp. Việc khuyến khích, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và phát triển tầng lớp doanh nhân mới phải là nhiệm vụ chính yếu.

Thứ hai, đưa giáo dục khởi nghiệp vào các chương trình đào tạo. Người trẻ cần được trang bị những nền tảng cơ bản về khởi nghiệp để định hướng đúng đắn cho bản thân, không chạy theo tâm lý đám đông và hoạt động phong trào.

Giáo dục cần thay đổi từ mô phạm sang kích thích tư duy và cổ vũ tinh thần tự do sáng tạo. Tại những trung tâm khởi nghiệp trên thế giới, trường ĐH luôn đóng vai trò quan trọng trong việc ươm mầm những hạt giống quý về khởi nghiệp.

Thứ ba, cần tận dụng những nguồn lực đã hình thành, cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, để xây dựng nên những hệ sinh thái khởi nghiệp gắn liền với đặc thù từng địa phương dựa trên nền tảng chiến lược khởi nghiệp tầm quốc gia.

Thứ tư, nhà nước phải ban hành những thể chế pháp lý dành riêng cho cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Có thể nói, hội nhập lần này dường như là cơ hội, mà như ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội từng khẳng định - Chúng ta chỉ còn hai lựa chọn, mở cửa hay là chết.

VN buộc phải nắm lấy cơ hội để giàu mạnh, nhưng là con đường nào? Để trả lời, người viết xin mượn một câu nói của PTT Vũ Đức Đam:

Đất nước VN chúng ta cần giàu lên nhưng không phải bằng tài nguyên, bằng chơi chứng khoán nữa... mà phải bằng những công nghệ mới”.

Lưu Minh Sang

------------

[1] Ba giai đoạn phát triển của một nền kinh tế bao gồm: Phát triển dựa vào nội lực; Phát triển dựa vào hiệu quả; Phát triển dựa vào đổi mới.