Tại hội nghị cảnh sát biển chiều 7/7, Việt Nam đã đề xuất lực lượng cảnh sát biển châu Á hỗ trợ lẫn nhau trang thiết bị cần thiết, theo tinh thần tự nguyện và thiện chí, để thu hẹp khoảng cách năng lực giữa các bên.
Đây là một trong những đề xuất của Việt Nam nhằm thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác thiết thực giữa các lực lượng thực thi luật pháp trên biển của các thành viên hội nghị những người đứng đầu cảnh sát biển châu Á.
Đại diện Việt Nam cho rằng, cảnh sát biển các nước có tính đa dạng về khả năng và tiềm lực. Nhưng không vì sự chênh lệch hoặc khác biệt mà ảnh hưởng đến hiệu quả của hợp tác.
Vì vậy, các nước cần hỗ trợ nhau về trang thiết bị theo tinh thần tự nguyện và thiện chí.
Đồng thời, cũng vì có khác biệt và khoảng cách, nhất là về hệ thống chỉ huy, kiểm soát, hiệp đồng giữa các bên, Việt Nam khuyến nghị tổ chức diễn tập chỉ huy tham mưu, diễn tập sa bàn, hoặc diễn tập giả định trên máy tính giữa lực lượng cảnh sát biển châu Á.
Bên cạnh đó, Việt Nam cho rằng, các bên cũng cần “nghiêm túc xem xét việc hỗ trợ lẫn nhau để nâng cao khả năng tiếng Anh cho các quốc gia thành viên”, khắc phục vấn đề bất đồng ngôn ngữ.
Theo đó, các nước có thế mạnh về tiếng Anh có thể mở lớp đào tạo ngôn ngữ cho sĩ quan, thủy thủy nước khác.
“Để hoạt động đào tạo này thường xuyên, liên tục, cần tính đến việc huy động ngân sách cho đào tạo được đóng góp bởi các thành viên, có tính toán đến tỉ lệ GDP mỗi nước”, đại diện cảnh sát biển Việt Nam nói.
Trước đó, trong bài phát biểu sáng 7/7, Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục cảnh sát biển nhấn mạnh, các bên cần tìm hiểu và xác định các lĩnh vực có thể thúc đẩy hợp tác một cách thiết thực cả song phương và đa phương nhằm đối phó với các thách thức an ninh trên biển như các hoạt động giao lưu, chia sẻ thông tin, xây dựng năng lực, huấn luyện, đào tạo, diễn tập tìm kiếm cứu nạn và ứng phó thảm họa…
Tướng Lĩnh nhấn mạnh nhu cầu “tăng cường xây dựng lòng tin, sự hiểu biết giữa các thành viên, thúc đẩy sự hợp tác thiết thực, hiệu quả” giữa các thành viên.
Theo Cục trưởng Cục cảnh sát biển, các bên cần ủng hộ và tham gia tích cực vào củng cố và xây dựng các cơ sở pháp lý về các hoạt động trên biển nhằm thúc đẩy hợp tác, ngăn chặn những hoạt động phương hại đến lợi ích chung của khu vực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), cùng nhau xây dựng các qui tắc ứng xử chung cho việc quản lý biển, tạo môi trường hòa bình cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.
Các sáng kiến, đề xuất hợp tác sẽ được các bên xem xét, để trình hội nghị những người đứng đầu cảnh sát biển châu Á lần thứ 7 sẽ tổ chức vào tháng 10 tới tại Hà Nội.
Phương Loan