- Bảo vệ độc lập chủ quyền là do ta, trên cơ sở tranh thủ sự ủng hộ tối đa của các nước, chứ không nước nào có thể đứng ra bảo vệ chủ quyền cho ta - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nói.
Trước thềm hội nghị ngoại giao lần thứ 29, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trò chuyện với báo chí về những thách thức của công tác đối ngoại.
Quân đội nhân dân: Những biến động trong tình hình khu vực và thế giới thời gian qua tác động thế nào đến công tác đối ngoại của nước ta?
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Tình hình thế giới biến động hết sức nhanh, xảy ra ở bất cứ khu vực nào đều tác động lan tỏa đến các khu vực khác. Trong đó nổi lên là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, phức tạp, gay gắt trên nhiều lĩnh vực không chỉ chính trị, quân sự mà cả kinh tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: VN không tham gia liên minh quân sự nào |
Vai trò của các nước lớn, quan trọng trên thế giới hiện nay là không thể bác bỏ, sự cạnh tranh giữa họ ảnh hưởng đến các nước khác, dẫn đến tình trạng lôi kéo, tập hợp lực lượng. Nước nào không đảm bảo được sự độc lập, tự chủ sẽ bị ảnh hưởng to lớn.
Những vấn đề an ninh phi truyền thống cũng nổi lên bất thường thời gian qua, như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu..., đều tác động đến môi trường an ninh của VN. Thời gian qua ta đã đánh giá và phán ứng đúng, kết quả là duy trì được môi trường hòa bình, ổn định của mình.
Tuổi trẻ: Có một số ý kiến cho rằng VN có thể bị cuốn vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc trong khu vực. Trong nước thì xuất hiện tâm lý "bài TQ" và ủng hộ Mỹ, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Ông nhìn nhận thế nào?
Lịch sử đã chứng minh nơi nào có cạnh tranh chiến lược mà xử lý không tốt thì có thể dẫn đến đối đầu, có thể cả chiến tranh khu vực.
VietNamNet: Vấn đề dòng người tị nạn từ những quốc gia đang xung đột, kéo theo nguy cơ khủng bố IS trà trộn vào các nước, có đặt ra với VN không? Ta nhìn nhận, đánh giá và chuẩn bị đối phó như thế nào? Khủng bố, dưới bất cứ hình thức nào, là quan tâm an ninh của mọi quốc gia. Nguy cơ là tiềm ẩn khi đi lại giữa các quốc gia ngày càng thoáng, thoải mái. Một số nước Đông Nam Á đã bị "nhiễm", có công dân bị IS lôi kéo. VN có biện pháp thắt chặt kiểm soát, đảm bảo an ninh của đất nước, nhưng vẫn phải lường trước và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. |
Ta đã rút ra bài học kinh nghiệm là không để bất cứ lực lượng nào lôi kéo ta vào sự cạnh tranh. Đường lối của ta là độc lập, tự chủ, không tham gia liên minh quân sự nào.
Thực hiện đường lối đó, ta phát triển quan hệ với tất cả các nước trên cơ sở những lợi ích chung. Chính sách đối ngoại của ta đi từ chỗ "thêm bạn bớt thù" đến "làm bạn với tất cả các nước".
Bảo vệ độc lập chủ quyền là do chúng ta, trên cơ sở tranh thủ sự ủng hộ tối đa của các nước, chứ không nước nào có thể đứng ra bảo vệ chủ quyền cho ta. Tự chủ trong đối ngoại cũng là đóng góp vào đường lối đó.
Zing: Các nước lớn đang có thay đổi về nhân sự lãnh đạo, quan hệ VN với các nước này sẽ bị tác động như thế nào?
Sự thay đổi trong chính quyền, đảng cầm quyền có thể có tác động đến quan hệ đối ngoại, nhưng về cơ bản là tác động không nhiều nếu duy trì được khuôn khổ quan hệ.
Ta với Hoa Kỳ là quan hệ đối tác toàn diện. Lịch sử đã chứng minh dù hai đảng Cộng hòa hay Dân chủ ai lên làm Tổng thống thì quan hệ Việt - Mỹ thời gian qua vẫn theo chiều hướng phát triển. Tổng thống của đảng nào cũng từng đến thăm VN, lãnh đạo VN cũng đến thăm Mỹ dù là chính quyền của đảng nào.
Có thể đạt COC năm 2017
VnExpress: Trước và sau khi có phán quyết của tòa trọng tại về vụ kiện Philippines - TQ, một số nữa như Campuchia, Lào có những phát biểu nêu quan điểm khác về vấn đề Biển Đông. Đây có phải vấn đề đáng lo ngại đối với sự đoàn kết của ASEAN?
Khi phán quyết đưa ra, từng nước đã phát biểu quan điểm của mình, có nước hoan nghênh, có nước ghi nhận, nước không nói ghi nhận thì cũng nói phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, nói về lập trường chung là giải quyết hòa bình các tranh chấp. Đương nhiên cũng có nước, là số ít, nói không tán thành vụ kiện. Đó là quan điểm của mỗi quốc gia.
VietNamNet: Là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao với nhiều nhiệm vụ nặng nề, ông cân bằng công việc của một nhà ngoại giao, một thành viên Chính phủ với cuộc sống riêng tư như thế nào? Chắc là phải xây dựng hậu phương vững chắc. Kinh nghiệm trong chiến tranh là hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới đánh thắng. Bí quyết chính là đồng cảm, thông cảm. |
Nhưng ASEAN đã thảo luận tại Lào, tuy không đề cập trực tiếp vụ kiện, nhưng trong tuyên bố chung của các ngoại trưởng đã khẳng định tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý. Trong bối cảnh vụ kiện thì có thể hiểu rằng, tất cả các biện pháp hòa bình là ngoại giao, pháp lý đều được tôn trọng, trên cơ sở tôn trong luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
ASEAN phải đoàn kết thì mới tạo được vai trò trung tâm, là vai trò mà không tổ chức khu vực nào trên thế giới có được. Dù bất cứ trường hợp nào, ASEAN cũng sẽ tăng cường đoàn kết. ASEAN đã tìm ra được công thức phản ánh sự quan tâm của từng thành viên, đồng thời đảm bảo sự đoàn kết.
Dân Việt: Có lo ngại là sau phán quyết, Philippines và TQ có "đi đêm" với nhau, ông nghĩ sao?
Đối với tranh chấp, vấn đề nào song phương thì song phương, vấn đề nào đa phương thì đa phương, nhưng tiếng nói chung nhất của ASEAN là duy trì hòa bình, kiềm chế không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Đó là mẫu số chung lớn nhất của ASEAN.
Trường Sa là vấn đề của 5 nước 6 bên thì giải quyết phải có các bên. Ta cũng đàm phán với các nước và với TQ về nhiều vấn đề trên biển. Có gì mà phải lo ngại nếu đàm phán dẫn đến giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời không vi phạm lợi ích các nước liên quan.
"Trong chiến tranh không có kẻ nào chiến thắng" |
Thanh niên: Ông đánh giá thế nào về sự leo thang căng thẳng của TQ ở Biển Đông, và khả năng xảy ra xung đột ở vùng biển này.
Biển Đông là vấn đề không chỉ của riêng các nước trong khu vực. Đây là tuyến hàng hải hết sức quan trọng trên thế giới. Bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải là nhu cầu chung, các nước đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì, ổn định ở Biển Đông.
Để xảy ra xung đột dẫn đến chiến tranh là đi ngược xu thế chung. Trong chiến tranh không có kẻ nào chiến thắng. Phải ngăn chặn chiến tranh, kiểm soát xung đột bằng các biện pháp kiềm chế, tự kiềm chế trong các khuôn khổ.
ASEAN đã bày tỏ lo ngại sâu sắc là tình hình không được kiểm soát, đều kêu gọi kiềm chế, kiểm soát hành động, không để có va chạm dẫn đến xung đột trong khu vực. Hiện ASEAN - TQ đang thực thi Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Việc thảo luận COC đã bắt đầu từ lâu nhưng quá trình vừa qua là quá chậm so với mong muốn của ASEAN. VN luôn thúc giục sớm hoàn thiện COC. Vì nếu COC đạt được những nội dung quan trọng có tính ràng buộc sẽ là cơ sở pháp lý để kiềm chế, kiểm soát tình hình Biển Đông, giải quyết tranh chấp.
Hy vọng với tuyên bố của Ngoại trưởng TQ Vương Nghị tại hội nghị ASEAN mới đây, COC sẽ được thúc đẩy nhanh, có thể đạt được trong năm 2017.
Chung Hoàng