- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh chính sách đối ngoại phải có chủ trương đúng, linh hoạt để tránh việc các nước thỏa thuận bất lợi trên lưng VN.


Trong cuộc gặp gỡ báo chí nhân 70 năm ngày truyền thống ngành ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh vị thế của VN trên trường quốc tế và trong khu vực nay đã chủ động hội nhập, đóng góp cụ thể trong giải quyết các vấn đề của thế giới, thể hiện ở việc VN là thành viên HĐBA LHQ, HĐ Nhân quyền, UB Kinh tế Xã hội của LHQ, thành viên ASEAN...

{keywords}

"Nước nào có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh thường có vai trò, vị thế, tiếng nói lớn ở các diễn đàn. Nhưng có những nước tiềm lực quân sự không mạnh, dân số không lớn, kinh tế phát triển nhưng vẫn có tiếng nói, vì họ đóng góp vào công việc chung của thế giới, được các nước ghi nhận. VN, qua quá trình hội nhập, tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực, đã tạo dựng vị thế của mình. Quan hệ với tất cả các nước, nhất là những quốc gia quan trọng, cũng tạo vị thế cho VN" - Phó Thủ tướng nhận định.

Không để bị lôi kéo

Lao Động: Đâu là thách thức của ngành ngoại giao hiện nay trong giải quyết quan hệ với các nước lớn, thưa Phó Thủ tướng?

VN đã có quan hệ ngoại giao với 185/193 thành viên LHQ. Các quan hệ đã đi vào các khuôn khổ như đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác hợp tác, trong đó có những nước quan trọng nhất trên thế giới.

Nhưng thách thức là tình hình thế giới đang biến động phức tạp, các nước đang cạnh tranh chiến lược gay gắt, đặc biệt ở Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương. Chính sách đối ngoại của ta đòi hỏi phải phù hợp để không bị lôi kéo vào cuộc xung đột nào. Chính sách ngoại giao của VN là phát triển quan hệ với tất cả các nước, trên cơ sở đảm bảo lợi ích tối đa của mình.

Tuổi Trẻ: Trong lịch sử đã nhiều lần các nước lớn bắt tay sau lưng VN, ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của VN. Bộ Ngoại giao kiến nghị cụ thể như thế nào về xây dựng khuôn khổ quan hệ với các nước lớn, trong đó có Mỹ và TQ?

Bài học quan trọng của ngoại giao 70 năm qua là giữ vững độc lập trong mọi đường lối. Điều này đã thành công trong thực tế, thể hiện ở các cuộc đàm phán Geneva 1954, hội nghị Paris 1973... VN trên cơ sở lợi ích quốc gia, giữ cân bằng trong quan hệ với các nước để phục vụ mục tiêu của mình.

Trong quan hệ quốc tế luôn có song trùng lợi ích. Việc các nước lớn thương lượng trên lưng các nước nhỏ là tổng kết chung của lịch sử quan hệ quốc tế, khi các nước để đạt lợi ích của mình sẽ có những thỏa thuận có hại cho nước khác. Quan trọng là ta đánh giá được, có chủ trương đúng, linh hoạt để tránh việc các nước thỏa thuận bất lợi cho chúng ta.

Quan điểm của VN là khi xây dựng khuôn khổ quan hệ, với mỗi nước đều có mục tiêu cụ thể, trên cơ sở xây dựng quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, tạo dựng tin cậy.

{keywords}

VietNamNet: Trăn trở của nhiều nhà ngoại giao lão thành là đối ngoại phải góp phần làm "sòng phẳng" quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và TQ. Sòng phẳng theo nghĩa anh làm gì có lợi, làm gì gây khó cho tôi. Phó Thủ tướng nghĩ thế nào và ngành ngoại giao sẽ làm gì để giải quyết thách thức này?

Ta có một chủ trương được quốc tế đồng tình, và cũng là nền tảng để mở rộng quan hệ với các nước - "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai". VN đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, bị nhiều nước thù địch, xâm lược, lấn chiếm. Ta không quên quá khứ, nhưng nhìn về phía trước, đưa các quan hệ đi lên, đảm bảo cho mình một môi trường hòa bình, phát triển.

Thực tế, nhiều nước cứ dai dẳng vấn đề quá khứ sẽ cản trở quan hệ với các nước khác. Ta đưa quan hệ với cả các nước trước đây từng có vấn đề với mình vào khuôn khổ, chiến lược hoặc toàn diện.

Có liên minh trong vấn đề Biển Đông?

VOV: VN có biện pháp gì để không bị lôi kéo vào cuộc tranh giành ảnh hưởng ở châu Á – TBD, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Có quan điểm từng nhận định nếu VN không liên minh với nước lớn nào sẽ rất khó giải quyết vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng nghĩ thế nào?

VN khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, có quyền tại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo đúng luật pháp quốc tế. Biển Đông là quan tâm chung của khu vực và thế giới vì đây là huyết mạch nối giữa các khu vực, con đường thông thương chiếm 50% lượng hàng hóa thế giới, liên quan an ninh, an toàn hàng hải.

Ta thừa nhận có tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa, giữa 5 nước 6 bên. Giải quyết vấn đề này có thể song phương hoặc đa phương, nhưng các nước phải duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực để không ảnh hưởng đến giao thông hàng hải. Quan điểm của VN là giải quyết tranh chấp chủ quyền hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế, không thể lấy "lịch sử hàng nghìn năm" để coi đó là chủ quyền.

"Dĩ bất biến" là đảm bảo hòa bình, ổn định, lợi ích, chủ quyền. "Ứng vạn biến" là tìm biện pháp tăng cường hợp tác ở những chỗ hợp tác được mà không ảnh hưởng đến chủ quyền, giảm thiểu xô xát trên biển. VN cực lực phản đối những hành động đơn phương, thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.

Trên thế giới có nhiều nước liên minh để phòng vệ tập thể, cũng có nước không ở trong liên minh nào. VN chủ trương độc lập, tự chủ, bảo vệ chủ quyền bằng sức mạnh tổng hợp, không đi với nước này chống nước kia, quan hệ tốt với tất cả các nước, không cần phải liên minh.

Để làm được phải tăng cường tạo dựng lòng tin chiến lược như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. Trên cơ sở phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, khi các nước đầu tư ở VN, họ sẽ có lợi trong việc bảo vệ lợi ích của mình ở VN.

Dân Trí: Nếu tình hình Biển Đông xấu đi, VN sẽ có bước đi mạnh mẽ hơn như thế nào? Với Bộ quy tắc ứng xử (COC), ASEAN mong muốn thúc đẩy nhưng chưa hề có thời hạn ký kết cụ thể, liệu đây có là trở ngại cho COC?

VN luôn kiên định giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, đòi hỏi các nước không sử dụng vũ lực. Biện pháp hòa bình là mọi biện pháp, từ thương lượng, thảo luận trực tiếp giữa các bên liên quan, đến đưa ra các tổ chức quốc tế, các biện pháp pháp lý...

Với COC, từ tham vấn, trao đổi, nay quá trình tiến bước chuyển sang giai đoạn thương lượng. Nhưng vẫn cần một quá trình để thống nhất về văn bản đem ra thương lượng.

Quan điểm của VN là sớm nhất có thể, yêu cầu trong năm nay có COC, nhưng đó là ý muốn của ta, là cố gắng chung của ASEAN. Nhưng do có nhiều nước tham gia, ta không thể đặt thời gian cho các nước khác. Các bên phải cùng nhau thống nhất về nội hàm của quy tắc ứng xử để chuyển sang ký kết.

Tiền Phong: Trong diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông, cộng thêm tình hình tại biên giới Tây Nam với Campuchia, có ý kiến cho rằng VN có nguy cơ bị bao vậy, cô lập. Phó Thủ tướng nghĩ gì về nhận định này?

Diễn biến Biển Đông đang hết sức phức tạp, nhưng mong muốn chung, lợi ích chung của các nước và VN là không để xảy ra xung đột, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, duy trì ổn định, không để ảnh hưởng đến tự do hàng hải.

VN có những đàm phán trực tiếp với các nước, trong đó có TQ, về phân định biên giới biển, cùng ASEAN yêu cầu thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử (DOC), xây dựng COC.

Ta luôn phải đối phó với tình huống xấu nhất, nhưng luôn mong muốn, phấn đấu cho điều tốt nhất là đảm bảo không xảy ra xung đột.

Với Campuchia, VN đặt mục tiêu xây dựng biên giới hòa bình. Hai nước đã đạt hơn 80% việc phân giới cắm mốc, đang phấn đấu hoàn thành 17 – 18% còn lại. Việc này có thể khẳng định là hoàn toàn đúng theo luật pháp quốc tế, văn bản hai bên đã ký kết và bản đồ hai bên đều công nhận.

Việc đảng đối lập Campuchia gây rối là hoàn toàn sai trái, phá hoại quan hệ hai nước. VN tin tưởng với sự phân chia công bằng, hợp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, hai bên sẽ đảm bảo được việc phân giới cắm mốc. Lực lượng nào cũng không thể chống đối luật pháp quốc tế.

Chính phủ Campuchia cũng vừa xác nhận các bản đồ mượn của LHQ và Pháp chính là các bản đồ cùng VN phân giới cắm mốc. Đó là cơ sở hết sức quan trọng để tin rằng không có xung đột ở biên giới, vì quan hệ hai nước tốt đẹp, trên cơ sở giải quyết các vấn đề và việc phân giới cắm mốc đang được triển khai.

Câu hỏi nào cũng "toát mồ hôi"

Lao Động: Phó Thủ tướng học được điều gì quan trọng nhất từ người cha, cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch?

Đó là sự kiên định, vận dụng linh hoạt đường lối, chủ trương, tạo ra được nhiều bạn bè nhất để thực hiện đường lối đối ngoại của mình.

{keywords}

VietNamNet: Tiếp xúc với giới ngoại giao và báo chí thế giới, Phó Thủ tướng luôn nhận được những câu hỏi về các vấn đề nhạy cảm của VN. Có lần nào ông đã phải "toát mồ hôi" để trả lời những câu hỏi đó?

Các câu hỏi của báo chí đều khó, đều "toát mồ hôi". Mỗi câu hỏi đều có cách trả lời, chính diện hay vòng vèo.

Một trong những câu hỏi khó là gần đây ở Mỹ, về việc VN mua vũ khí, "có phải để đối phó với TQ không". Tôi trả lời mua vũ khí là việc bình thường, mọi quốc gia đều làm để bảo vệ đất nước, mua ở đâu cũng vì mục đích đó, không mua của Mỹ thì mua của nước khác.

Nhưng đó là câu hỏi tức thời đặt ra một vấn đề nhạy cảm, việc "có phải VN đi với nước này chống nước kia không". Rõ ràng là không phải, nhưng câu trả lời có thể bị diễn giải khác nhau.

Tuổi Trẻ: Phó Thủ tướng có tin tưởng sẽ có một người VN giữ vị trí cao trong các tổ chức quốc tế, để tham gia những quyết sách quan trọng của thế giới không?

Mong muốn này không phải bây giờ mới đặt ra. Cách đây 20 – 30 năm, ta đã đặt mục tiêu đưa càng nhiều người VN vào làm việc trong các tổ chức quốc tế càng tốt, thể hiện năng lực của người VN, đóng góp cho các công việc chung và quay lại phục vụ lợi ích cho đất nước.

Thời gian qua đã có người VN làm trong Ban Thư ký LHQ, các tổ chức khu vực, gần đây nhất là Tổng thư ký ASEAN. VN từng được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, chủ tịch một số ủy ban LHQ, chủ tịch phiên họp của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)…

Nhưng ta rất mong muốn người VN ứng cử vào các vị trí quan trọng, như Tổng thư ký LHQ, hay đứng đầu các tổ chức chuyên môn của LHQ. Muốn vậy, con người VN phải có năng lực, khả năng tầm quốc tế.

Chung Hoàng