Lần đầu vượt 1.300 điểm trong 2 năm
Trước áp lực bán rất mạnh của khối ngoại trong phiên liền trước (11/6), với mức bán ròng 1.900 tỷ đồng - một kỷ lục cao nhất trong 18 tháng qua, thị trường chứng khoán trong buổi sáng 12/6 diễn biến giằng co, nhiều thời điểm VN-Index giảm, xuống 1.280-1.282 điểm.
Nhiều cổ phiếu trụ cột tiếp tục bị khối ngoại bán mạnh như: Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), VPBank (VPB), FPT, Vinamilk (VNM)…
Tuy nhiên, sang phiên chiều 12/6, tình hình tích cực hơn. Sức cầu đến từ các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước tăng vọt vào cuối phiên, qua đó kéo đa số cổ phiếu trụ cột đi lên và đà tăng lan rộng ra khắp thị trường.
Thị trường có nhịp tăng dựng đứng trong khoảng 20 phút cuối của đợt khớp lệnh liên tục với sự bứt phá của nhóm VN30.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 15,78 điểm (tương đương mức tăng 1,23%), lên mức 1.300,19 điểm. HNX-Index và Upcom-Index tăng nhẹ. Đây là lần đầu tiên sau 2 năm (kể từ 6/2022), chỉ số VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm.
Thanh khoản giảm so với phiên trước đó nhưng tổng trên cả 3 sàn vẫn đạt khoảng 1 tỷ USD.
Trong phiên chiều 12/6, lực mua mạnh bất ngờ xuất hiện và tập trung vào nhiều cổ phiếu trụ cột như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long, Sacombank (STB) của ông Dương Công Minh, Chứng khoán SSI của ông Nguyễn Duy Hưng, VPBank (VPB) của đại gia Ngô Chí Dũng, Ngân hàng SHB (SHB) của ông Đỗ Quang Hiển... Sức mua khá dứt khoát.
Dòng tiền nội đổ vào thị trường chứng khoán mạnh mẽ trong bối cảnh lãi suất ngân hàng ở mức thấp, bất động sản ít giao dịch và kênh vàng khá thất thường, khó mua bán.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Nhất Việt - cho biết lực mua của các nhà đầu tư trong nước rất mạnh. Xét về mặt kỹ thuật, các mã VN30 trong thời gian qua có xu hướng tích lũy rất tốt. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tạo đáy và đang đi lên.
Cũng theo ông Lê Quang Trí, nhìn chung các doanh nghiệp trên sàn HOSE đa số là các doanh nghiệp tốt trong nền kinh tế. Thông tin về phần lớn các doanh nghiệp vẫn khá tốt. Vấn đề vĩ mô ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán chung gần đây.
Dù vậy, ông Trí cho rằng, hiện tượng tỷ giá USD/VND căng thẳng cũng là điều thường thấy trong các năm. Trong tháng 5 vừa qua, tình hình nhập siêu đã suy giảm. Bên cạnh đó, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng khá tốt. Gần đây lãi suất qua đêm đã tăng trở lại, lên mức quanh mức 4-4,4%/năm, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá.
Theo chuyên gia Chứng khoán Nhất Việt, thị trường chứng khoán gắn với câu chuyện dòng tiền. Với mức lãi suất huy động vốn 4-5%/năm như hiện tại, dòng tiền có thể tìm đến kênh đầu tư cổ phiếu.
Như vậy, sau 4 tuần giằng co, thị trường chứng khoán cũng đã vượt qua được đỉnh hồi tháng 3/2024. Nhịp kéo dứt khoát này vẫn nhờ chủ yếu vào các mã lớn. Sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng để lại dấu ấn cho phiên tăng điểm chiều 12/6.
Triển vọng thời gian tới ra sao?
Theo Chứng khoán CSI, cú bứt phá và trở lại mốc 1.300 điểm sau 2 năm một phần quan trọng nhờ vào nhóm “cổ phiếu vua” thức giấc. Đây cũng là mức đỉnh mới trong năm 2024.
Trên thực tế, theo CSI, dòng tiền trong phiên 12/6 trải rộng ra nhiều nhóm ngành, đặc biệt có sự góp mặt của các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhạy với thị trường như: bất động sản dân cư (+0,77%), nhóm ngân hàng (+1,5%), nhóm chứng khoán (+1,76%)…
Điểm trừ trong phiên 12/6, theo CSI, là thanh khoản sụt giảm nhẹ so với phiên liền trước với khối lượng khớp lệnh trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) sụt giảm so với mức trung bình 20 phiên.
Theo ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI, một điểm nhấn tích cực cho thấy xu hướng tăng điểm của VN-Index đang chiếm ưu thế và điều này đang củng cố cho kỳ vọng VN-Index sẽ chinh phục ngưỡng kháng cự 1.317-1.327 điểm trong thời gian sắp tới.
Ông Lê Quang Trí cũng cho rằng, thị trường đang tích cực và trong xu hướng tăng điểm trong thời gian tới.
Trên thực tế, rất khó để xác định về một xu hướng trên thị trường chứng khoán, nhất là trong vài năm gần đây khi mà không chỉ trong nước mà trên thị trường tài chính thế giới luôn ở trong tình trạng bất định, có thể xảy ra những biến động khó lường.
Dù vậy, nhiều tổ chức và chuyên gia vẫn đặt niềm tin vào một xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam từ giờ cho tới cuối năm 2024.
Áp lực trước mắt chủ yếu vẫn là tỷ giá và nước Mỹ có thể duy trì lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, nước Mỹ và thế giới nói chung đang ở cuối chu kỳ tăng lãi suất và câu chuyện bơm tiền chỉ còn là vấn đề thời gian. Đồng USD có thể hạ nhiệt và dòng tiền sẽ bớt căng thẳng hơn ở các thị trường tài chính nhiều nước trên thế giới.
Hiện giới đầu tư cũng đón một con sóng mới là mùa công bố tài chính quý II/2024.