Người đi đường mang theo laptop và điện thoại tại Thượng Hải ngày 29/1. Ảnh: Bloomberg |
Trong khi các nhà máy, cửa hàng, khách sạn, nhà hàng vắng tanh, trung tâm thành phố biến thành “thị trấn ma”, hàng ngàn doanh nghiệp tìm cách duy trì hoạt động trong thế giới ảo. Alvin Foo, Giám đốc Reprise Digital, công ty quảng cáo tại Thượng Hải với 400 nhân viên, cho rằng đây là cơ hội tốt để thử nghiệm làm việc ở nhà quy mô lớn. Rõ ràng, việc sáng tạo cần tới sự tham gia của mọi người, vì vậy họ phải chat video và gọi điện nhiều hơn.
Lực lượng làm việc tại nhà ngày càng đông đảo hơn, đặc biệt tại Trung Quốc khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã kết thúc. Do bắt đầu làm việc trở lại, quốc gia đông dân nhất thế giới buộc phải thử nghiệm làm việc tại nhà do virus viêm phổi Vũ Hán.
Điều đó đồng nghĩa nhiều người phải tổ chức cuộc họp khách hàng, thảo luận nhóm qua ứng dụng chat video hay lên kế hoạch dựa trên các nền tảng như WeChat Work, Bytedance Lark.
Một nhân viên ngân hàng Hồng Kông cho hay anh sẽ kéo dài kỳ nghỉ tại nước ngoài vì có thể làm việc từ bất kỳ đâu chỉ cần có laptop và điện thoại. Những người khác nói họ dành thời gian tiếp khách thông thường để giải quyết chi phí tồn đọng. Một người tiết lộ đã chuyển hướng sang các giao dịch tại Đông Nam Á.
Jeffrey Broer, một cố vấn đầu tư mạo hiểm tại Hồng Kông, nói rằng không ai đi họp, lịch của ông trống hoàn toàn. Một người còn email cho ông đề nghị gặp ở nơi khác vào tháng Hai.
Virus lây lan nhanh chóng và ảnh hưởng sâu rộng khiến doanh nghiệp cũng phải thay đổi chỉ đạo liên tục. Tiko Mamuchashvili, chuyên gia tổ chức sự kiện cao cấp tại khách sạn Hyatt (Bắc Kinh), được thông báo nghỉ tiếp đến ngày 3/2. Sau đó, cô lại nhận được thông báo làm việc ở nhà thêm 2 ngày nữa. Vài ngày sau, chỉ thị kéo dài đến ngày 10/2. Cô phải báo cáo mỗi buổi sáng về nơi ở cũng như có sốt hay không cho phòng ban. Về cơ bản, mọi thứ cô có thể làm bây giờ là trả lời email.
Một số giám đốc lo ngại việc không đến văn phòng sẽ làm giảm năng suất lao động nhưng có bằng chứng chứng minh điều ngược lại. Nghiên cứu năm 2015 của Đại học Stanford tại California (Mỹ) chỉ ra hiệu suất lao động của các nhân viên tổn đài của công ty du lịch Ctrip tăng 13% khi họ làm việc tại nhà vì nghỉ ít hơn và môi trường thoải mái hơn.
Tuy vậy, virus lại đe dọa sự sống còn của các không gian làm việc chung vốn được nhân rộng tại các thành phố lớn của Trung Quốc vài năm gần đây do giá thuê nhà tăng mạnh và startup bùng nổ. Dave Tai, Phó Giám đốc Beeplus, không gian làm việc chung với 300 nhân viên, nhận định đây là thời kỳ vô cùng khó khăn.
Virus trì hoãn việc mở cửa tại văn phòng Bắc Kinh. Nếu khách hàng từ chối đến làm việc ở đây, doanh nghiệp sẽ chết. “Cốt lõi của không gian làm việc chung là cộng đồng, mọi người đến cùng nhau. Rất khó để thay thế tương tác đó”, ông nói.
Với nhiều công ty, yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà chỉ giải quyết phần nào vấn đề. Nhiều doanh nghiệp dựa vào nhà máy, công ty logistics, bán lẻ sẽ phải đối mặt với khó khăn riêng. Chẳng hạn, Casetify – nhà sản xuất ốp điện thoại – dự đoán 2020 là năm tốt nhất của mình và có thể tăng gấp đôi doanh số năm nay. Song virus corona khiến nhà máy sản xuất ở Trung Quốc phải đóng cửa và phần lớn nhân viên Casetify phải làm việc ở nhà. Cửa hàng mới mở ở sân bay Hồng Kông vắng hoe, doanh số giảm mạnh.
Casetify vẫn còn đủ hàng cho 30 ngày nhưng Wes Ng, Giám đốc công ty cho biết họ không có kế hoạch B nếu nhà máy không mở cửa sớm. Đây là nỗi lo chung của hàng ngàn doanh nghiệp khác tại Trung Quốc và khắp thế giới.
Ngay cả với các công ty chỉ kinh doanh qua Internet và điện thoại, virus corona đồng nghĩa họ không có nhiều mối làm ăn. Các thương vụ mua bán và IPO bị hoãn. Giá trị giao dịch trong 30 ngày đầu năm 2020 chỉ bằng một nửa năm 2019, theo Bloomberg.
Dù số liệu gợi ý virus corona không nguy hiểm bằng SARS, nó lại lây nhiễm cho nhiều người hơn và tốc độ lây lan thổi bùng sợ hãi. Dịch SARS khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 40 tỷ USD, trong khi virus corona có thể gấp 3 hoặc 4 lần. Warwick McKibbon, Giáo sư kinh tế học Đại học Quốc gia Úc, cho rằng “sự hoảng loạn dường như tác động lớn nhất đến nền kinh tế hơn là số ca tử vong”.
Khi nhà máy đóng cửa, nhân viên làm việc ở nhà, ngành dịch vụ Trung Quốc cũng đối mặt thời kỳ khó khăn. Khi dịch SARS bùng phát năm 2002, ngành dịch vụ chỉ chiếm 41% kinh tế Trung Quốc nhưng nay là 53%. Nếu không có khách hàng, nhiều doanh nghiệp sẽ khốn đốn. Các bộ phim bom tấn được lên lịch chiếu vào đầu năm đã bị hoãn lại. Một số chuyển lên Internet với hi vọng duy trì lòng trung thành của khách hàng.