Thông tin trên được chia sẻ tại hội thảo khoa học “Cập nhật tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư xương”, thu hút sự tham gia của hơn 300 chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình và ung thư xương phía Bắc.
Ung thư xương là căn bệnh nguy hiểm, thường xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên nhưng chưa được quan tâm xứng tầm và ít nơi có thể điều trị thành công. Tỉ lệ người bệnh phải cắt cụt hay tháo khớp nhằm loại bỏ triệt để khối u chiếm đa số. Người bệnh phải đối diện với nguy cơ tàn phế, ảnh hưởng khả năng vận động và thẩm mỹ dẫn đến mặc cảm tâm lý, giảm sút chất lượng cuộc sống trước khi tử vong do ung thư.
Các nghiên cứu cho thấy, 90% bệnh nhân ung thư ở độ tuổi thanh thiếu niên. Do đó, chiến lược điều trị ung thư xương hiệu quả không chỉ là cứu sống tính mạng mà quan tâm và nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh và gia đình. Trong đó, bảo tồn trong điều trị ung thư xương đang là xu hướng trên thế giới, đã được các bác sĩ Việt Nam tiếp cận trong những năm gần đây.
Phẫu thuật ghép xương tự thân cho bệnh nhân ung thư xương tại Vinmec |
Với lợi thế được trang bị các thiết bị hiện đại nhất Việt Nam hiện nay về chẩn đoán hình ảnh và phòng mổ Hybrid tối tân, hệ thống robot Da Vinci, máy PET/CT và SPECT/CT, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec (TT CTCH&YHTT Vinmec) là đơn vị tiên phong trên cả nước đã thành công trong bảo tồn chi cho bệnh nhân ung thư xương. Kỹ thuật điều trị ung thư xương thực hiện ở Vinmec đã tiệm cận các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Nhờ “độ phủ” trên cả nước, người bệnh ung thư xương có thể được thăm khám và được chẩn đoán tại tất cả các bệnh viện trên toàn Hệ thống y tế Vinmec. Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, bệnh nhân sẽ được các chuyên gia hàng đầu của Trung tâm trực tiếp phẫu thuật và hỗ trợ sau mổ.
Các phương pháp bảo tồn cho bệnh nhân ung thư xương do Vinmec thực hiện không chỉ loại bỏ tế bào xương ác tính mà còn giúp 70 - 80% bệnh nhân tự đi lại, sinh hoạt không sử dụng nạng, tránh được những mặc cảm thẩm mỹ và tâm lý.
Trong hội thảo, GS. TS. BS. Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm CTCH&YHTT Vinmec và các đồng nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm điều trị bảo tồn chi thể bằng nhiều phương pháp khác nhau. Từ những phương pháp ít xâm lấn nhất như nội soi lấy khối u xương đến tái tạo xương bằng công nghệ in 3D với các sáng tạo trong sử dụng vật liệu (kim loại titan kết hợp với vật liệu y sinh PEEK)...
Đặc biệt, tháng 1/2022, với sự phối hợp của Ngân hàng mô Vinmec, Trung tâm đã thực hiện kỹ thuật ghép xương tự thân xử lý dung dịch nitơ lỏng. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng thành công tại Việt Nam. Bệnh nhân có khối u ở vị trí khó phẫu thuật và dễ thất bại nếu dùng xương nhân tạo, đã giữ được nguyên vẹn xương và đang trong quá trình liền xương tự nhiên tốt. Phương pháp mới này có nhiều ưu điểm như: chi phí thấp, xương có thể tiếp tục phát triển cùng với quá trình trưởng thành của người bệnh, đã được chứng minh hiệu quả ở Nhật Bản 20 năm qua.
GS. TS. BS. Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm CTCH&YHTT Vinmec chia sẻ kinh nghiệm điều trị bảo tồn chi thể bằng nhiều phương pháp khác nhau |
Thành công trên là một trong những tiền đề quan trọng để Ngân hàng Mô Vinmec thúc đẩy việc lưu trữ mô xương đồng loại và thành lập Ngân hàng mô Ung thư xương đầu tiên tại Đông Nam Á - mô hình hiện chỉ có ở các quốc gia tiên tiến trong thời gian tới đây. Qua đó, việc ghép xương tự thân sử dụng ni tơ lỏng sớm có thể ứng dụng rộng rãi, phục vụ điều trị và tăng chất lượng sống cho người bệnh ở Việt Nam.
Ngân hàng mô ung thư xương Vinmec cũng có vai trò lưu trữ, bảo quản tổ chức ung thư và mẫu huyết thanh, phục vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ và thuốc điều trị ung thư trong tương lai.
Đoạn u xương được xử lý bằng ni tơ hóa lỏng để diệt tế bào ung thư trước khi ghép trở lại cho người bệnh |
“Điều trị bảo tồn cho mỗi người bệnh ung thư xương là quá trình cân nhắc giữa yêu cầu điều trị triệt để khối u tránh di căn xa (cắt cụt chi thể) và cắt bỏ khối u rộng rãi kèm các biện pháp tạo hình, bảo tồn chức năng chi thể và các biện pháp hỗ trợ khác, nhằm loại bỏ được tế bào ung thư nhưng phải giữ chất lượng cuộc sống của bệnh nhân nâng cao hơn”, GS. Dũng chia sẻ.
Chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam, trong đó có ung thư xương đã có những bước tiến mạnh mẽ. Tuy nhiên, để nâng cao tỉ lệ bệnh nhân ung thư xương bảo tồn, có chất lượng cuộc sống tốt hơn vẫn là thách thức lớn.
PGS. TS. Bùi Văn Giang, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện K Tân Triều nhận định: “Các tiến bộ về chẩn đoán ung thư xương những năm gần đây đã cho phép ngày càng có nhiều bệnh nhân được tiếp cận với điều trị sớm hơn. Hội thảo đã tạo ra kết nối chặt chẽ và hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm toàn diện không chỉ về phẫu thuật mà còn các kỹ thuật hóa-xạ trị tiền phẫu và vấn đề phục hồi của bệnh nhân sau mổ. Đây sẽ là tiền đề để các kỹ thuật điều trị ung thư xương được chuyển giao, áp dụng rộng rãi, đem lại cơ hội sống chất lượng hơn cho người bệnh hơn”.
Hội thảo “Cập nhật tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư xương” nằm trong chuỗi hội thảo chuyên sâu về ung thư do Hệ thống Y tế Vinmec tổ chức trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập tháng 1/2022. Thành công của chuỗi hội thảo về ung thư tiêu hóa, vú, xương cùng các báo cáo có chất lượng chuyên môn cao, Vinmec góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật mới vào điều trị của y tế Việt Nam nói chung. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cam kết của Vinmec trong thập kỷ hoạt động tiếp theo: Trở thành nhân tố thay đổi, là kiểu mẫu về mô hình y tế hàn lâm xuất sắc thông qua đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản, xây dựng các Trung tâm xuất sắc (COE - Center of Excellence) về Ung bướu, Tim mạch, Chấn thương chỉnh hình, đồng thời tích cực, chủ động ứng dụng các tiến bộ trong nghiên cứu vào điều trị thực tiễn, đem lại lợi ích cho khách hàng. |
Thế Định