Ngày 22/1/2019, VinID đã chính thức nâng cấp phiên bản 2019 với nhiều tính năng mới của một Mobile App, nạp điểm VinID, tích điểm, tính năng VinRewards cùng hàng ngàn mã giảm giá miễn phí, người dùng sẽ được trải nghiệm mua hàng sang với giá tốt giảm tới 90% trên ứng dụng VinID. Ra đời từ năm 2017, ban đầu VinID chỉ là một thẻ vật lý tích điểm thông thường cho những người mua sắm ở hệ thống siêu thị Vinmart, nhưng nay đã chính thức phát triển thành một siêu ứng dụng, người dùng có thể trải nghiệm tính năng mua sắm tiện dụng ngay trên mobile.

Trong năm 2019, giới thương  mại điện tử dự báo, VinID của Tập đoàn Vingroup  được đầu tư mạnh và nhắm đến mục tiêu phát triển thành một siêu ứng dụng mua sắm và tiến tới tích hợp cả tính năng thanh toán điện tử. Với sự nhập cuộc của đại gia Vingroup, cùng với sự bùng nổ của các siêu App tích hợp với ví điện tử như Grab đã làm trong năm 2018 sẽ kích thích nền kinh tế phi tiền mặt, thúc đẩy thương mại điện tử tăng tốc.

Theo báo cáo của Statista.com, ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam chính thức lọt Top 6/10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới với tổng doanh thu đạt 2.269 triệu USD, tăng 29,4% so với năm ngoái, số lượng khách hàng mua hàng trên trang TMĐT đạt 49,8 triệu người, tăng 2,6%; trong đó xu hướng mua sắm trên di động chiếm đến 72%.

Đáng chú ý, cơ cấu xếp hạng giữa các sàn TMĐT đã có sự thay đổi mạnh so với năm trước. Shopee đã vươn lên vị trí dẫn đầu với 123,2 triệu lượt truy cập trở thành sàn thương mại điện tử có lượng truy cấp số 1 của Việt Nam. Tiki cũng đã vượt qua Lazada giữ vị trí số 2 về lượng truy cập trang trong quý 4/2018 với 107,9 triệu lượt truy cập, kế đến là vị trí thứ 3 Lazada với 97,6 triệu lượt, và trang Thế Giới Di Động có 88,3 triệu lượt, sàn Sendo bám sát sau đó với 76,2 triệu lượt. Cả 4 sàn thương mại điện tử Việt Nam đã chính thức lọt vào Top 10 trang thương mại điện tử có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á trong năm 2018.

Năm 2018 cũng chứng kiến sự tăng tốc đầu tư vào các sàn TMĐT này như: VNG đầu tư thêm khoản vốn 122 tỷ đồng vào Tiki, Sendo nhận thêm vốn 51 triệu USD từ 8 nhà đầu tư, Shopee nhận thêm 50 triệu USD từ SEA, Lazada châu Á được Alibaba đầu tư thêm 2 tỷ USD.

Cũng theo Statista.com, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt con số 4.476 triệu USD vào năm 2023. Dự báo này được nhiều người cho rằng có nhiều khả quan khi năm 2018 chứng kiến sự tăng tốc đầu tư của các “con rồng công nghệ” đầu tư vào nền thương mại điện tử mới (O2O - Online to Offline Commerce) với sự góp mặt của các ông lớn như Grab, Vingroup, Ahamove, Go Viet, Be… sẽ kích thích thương mại điện tử Việt Nam bùng nổ.

Năm 2019, VinID của Tập đoàn Vingroup được đầu tư mạnh và tiến tới phát triển VinID thành một siêu ứng dụng mua sắm, tích hợp cả tính năng thanh toán điện tử.

Cuối tháng 12/2018, Grab được rót khoản vốn tối đa 1,5 tỷ USD vào dịch vụ đi chung xe hàng đầu Đông Nam Á – Grab và hướng tới một vòng gọi vốn quy mô tới 5 tỷ USD trong vòng gọi vốn series H. Theo các chuyên gia về thương mại điện tử, Grab đang có ít nhất 2 mục tiêu: Đầu tiên rõ ràng là Grab muốn tận diệt đối thủ cạnh tranh, đặc biệt những kẻ bám đuổi tham vọng để trở thành một siêu ứng dụng. Thứ hai là để Grab mở rộng bành trướng khắp các mảng từ chở người, chở hàng, cho tới các mảng giao đồ ăn, thanh toán điện tử. Và ngay giữa tháng 1/2019, Grab đã chính thức triển khai thanh toán điện tử qua ví Grab by Moca tại hơn 1.000 điểm chấp nhận thanh toán.

Bên cạnh hình thức mua hàng online qua các trang thương mại điện tử hay các nhà bán hàng trên mạng xã hội, hiện người Việt ở các thành phố lớn đã làm quen với các nền tảng kết nối giữa người bán và người mua các loại dịch vụ tiêu dùng hàng ngày. Sôi động nhất là nền tảng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn với sự nhập cuộc của gần 10 các ứng dụng như: GrabFood (Grab), Now (SEA), Lala (Seedcom), dịch vụ giúp việc có JubViec, dịch vụ massage có GoMassag, dịch vụ chăm sóc sức khỏe có WeFit...

Một nhân tố không thể không kể đến trong chuỗi cung ứng thương mại điện tử là các nền tảng giao hàng như AhaMove, Grab (Food, Express), Săn Ship, Lalamove sắp tới là Go Việt hay Be sẽ nhảy vào lĩnh vực giao hàng cho thương mại điện tử.

Người mua hàng online có thể dễ dàng hơn nếu như có những nền tảng thanh toán tiện lợi, hiện nay đã xuất hiện một loạt ví điện tử hỗ trợ người dùng thanh toán như: Momo, Airpay, GrabPay, ZaloPay,. Thương mại điện tử còn có sự tham gia của các nền tảng khác đóng vai trò cổng kết nối quản trị mua bán như hệ thống POS: iPOS, KiotViet, Ocha, CukCuk, QR-code...

Các nền tảng công nghệ kết nối người mua và người bán thuận tiện, kết hợp với thanh toán điện tử an toàn, giao hàng nhanh chóng sẽ kích thích nền thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn trong những năm tiếp theo.