UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành văn bản yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền ảo, đặc biệt là hoạt động huy động tài chính, kinh doanh bằng phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh.

Ngân hàng nhà nước tỉnh đã triển khai các biện pháp kiểm soát, quản lý rủi ro nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán cho mục đích mua bán, trao đổi tiền ảo hoặc sử dụng tiền ảo như phương tiện thanh toán.

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát về phòng chống rửa tiền, cấp tín dụng, mở và sử dụng tài khoản thanh toán chuyển tiền và các hoạt động liên quan khác có thể bị lợi dụng để phục vụ giao dịch tiền ảo nhằm bảo đảm các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh, tuân thủ quy định pháp luật.

Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên địa bàn tỉnh không được cung ứng dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý thanh toán, chuyển tiền bù trừ và quyết toán chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng.

Yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo, rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán trao đổi tiền ảo có biện pháp xử lý, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; phối hợp với các ngành liên quan quản lý, xử lý đối với các loại tiền ảo, tài sản ảo và đấu tranh phòng ngừa ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán để mua bán trao đổi tiền ảo sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Theo lãnh đạo Phòng cảnh sát kinh tế (PC46), Công an tỉnh, tiền ảo hay tiền kỹ thuật số là hệ thống tiền không bị ràng buộc bởi yếu tố địa lý, gắn liền với sự phát triển của mạng internet, với thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt toàn cầu. Đặc điểm nổi bật của Bitcoin là có thể trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua tổ chức tài chính trung gian nào. Không có cơ quan, tổ chức quốc tế nào quản lý, giám sát các loại tiền ảo này. Trên thế giới hiện có khoảng 3000 loại tiền ảo, các loại tiền ảo phổ biến có giá trị quy đổi tiền thật giá trị cao hiện nay như: Bitcoin, ethereum, litecoin, monero, ripple...

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có một số người tham gia mua bán tiền ảo, chủ yếu là Bitcoin nhưng không có đơn vị, tổ chức nào đăng ký với cơ quan nhà nước; việc mua bán, trao đổi tiền ảo không có địa điểm, trụ sở mà là giao dịch qua mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài nên không kiểm soát, thống kê được số lượng người, số tiền tham gia.

Lãnh đạo PC 46, Công an tỉnh khuyến cáo, hiện nay tại Việt Nam, các loại tiền ảo, trong đó có Bitcoin chưa được công nhận là tiền hay hàng để trao đổi, mua bán. Việc trao đổi, mua bán bị nghiêm cấm theo Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 13/4/2018 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, do vậy người dân không nên trao đổi, mua bán các loại tiền ảo nhất là Bitcoin để tránh gặp phải những rủi ro và vi phạm quy định của pháp luật.