Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước...”.

Quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng; đồng thời nhận thức đầy đủ thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức đặt ra trong giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII đã đề ra mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là: Phấn đấu đến năm 2025: Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập thực tế bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt mức 80-85 triệu đồng; kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I.

Để thực hiện được mục tiêu quan trọng này, tỉnh xác định phải xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển của mỗi người dân; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khai thác những động lực mới cho tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo; huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển văn hóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của Nhân dân, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Củng cố quốc phòng, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh việc xác định 29 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm là: (1) Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; (2) Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng; khai thông các điểm nghẽn, thu hút đầu tư; (3) Xây dựng nền văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; (4) Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; (5) Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và 3 khâu đột phá là: (1) Đột phá về cơ chế chính sách đặc thù để phát triển kinh tế, xã hội; (2) Đột phá về phát triển đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao; (3) Đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy.

doanhnghiep.png
Ảnh minh hoạ

Thông tin tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII sơ kết giữa nhiệm kỳ được tổ chức mới đây cho thấy, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng nửa nhiệm kỳ qua, kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn có bước phát triển tích cực. Cụ thể: Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020-2022 đạt 8,8%/năm, nằm trong nhóm 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước. Thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 32,9 nghìn tỷ đồng; năm 2022 lập dấu mốc mới với 40,3 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu nhiệm kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,51% năm 2021 xuống còn 0,99% vào cuối năm 2022; ước năm 2023 giảm còn khoảng 0,7%, vượt trước 3 năm so với mục tiêu đại hội đề ra...

Công nghiệp tiếp tục được xác định là ngành kinh tế chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh; các sản phẩm công nghiệp chủ yếu giai đoạn 2021-2023 đều tăng từ 11% đến hơn 22%/năm. Giai đoạn 2020-2023, tỉnh thu hút mới 149 dự án trong lĩnh vực công nghiệp (trong đó có 104 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD, 45 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 7.896 tỷ đồng); thực hiện tăng vốn cho 147 lượt dự án, trong đó có 132 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư tăng 724,03 triệu USD và 15 lượt dự án DDI với tổng vốn tăng là 4.558 tỷ đồng.

Tính chung, tổng vốn đầu tư thu hút trong lĩnh vực công nghiệp (cấp mới và tăng vốn) đạt khoảng 65.142 tỷ đồng (hơn 2,39 tỷ USD đối với các dự án FDI và 12.454 tỷ đồng đối với các dự án DDI). Đáng nói là nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã chọn Vĩnh Phúc là điểm đến để đầu tư. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng cho các tập đoàn điện tử Samsung, Dell; một số doanh nghiệp cung ứng linh kiện cho Apple...

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới như sau:

Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành.

Tiếp tục xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong tất cả các ngành, các lĩnh vực; tập trung khơi thông các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế, chuẩn bị đầu tư từ sớm, từ xa. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp cho thu hút đầu tư.

Triển khai Nghị quyết về phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm đặc hữu địa phương. Phát triển dịch vụ thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.

Đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh. Xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch gắn các giá trị văn hóa, lịch sử, khuyến khích các nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch và hỗ trợ các hoạt động du lịch, các tuyến du lịch kết nối với các khu du lịch trên toàn quốc và khu vực… Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai, giảm chi phí gia nhập thị trường; giải quyết kịp thời các vướng mắc, kiến nghị hợp lý của các nhà đầu tư.

Song song với các giải pháp về kinh tế, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 12/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 16/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu".

Tiếp tục sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đảm bảo hoạt động giáo dục và đào tạo phù hợp với đặc điểm của từng vùng, địa phương góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tổ chức triển khai tốt các cơ chế, chính sách và các đề án, kế hoạch phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục nghiên cứu ban hành các đề án, kế hoạch… thuộc lĩnh vực công tác lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy. Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của tỉnh. Tiếp tục cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Thanh Sơn