Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 136 nghìn con trâu, bò; hơn 418 nghìn con lợn và hơn 11,5 triệu con gia cầm.
Thực trạng cho thấy, người dân trên địa bàn tỉnh đa phần là chăn nuôi nhỏ lẻ, xây dựng chuồng trại theo quy chuẩn an toàn sinh học chưa được chú trọng. Khâu xử lý chất thải chăn nuôi còn thủ công, dễ khiến mầm bệnh phát tán.
Vĩnh Phúc triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phòng bệnh động vật |
Việc vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi được xem là biện pháp hữu hiệu để tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường và hạn chế dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng.
Hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đều tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Kế hoạch tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm và phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi.
Qua đó, chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện.
Tổ chức tập huấn kỹ thuật phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi cho nhân viên thú y cấp xã và lực lượng trực tiếp tham gia.
Phối hợp với phòng chuyên môn cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai các đợt phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi; nhận và cung ứng đầy đủ thuốc khử trùng cho các địa phương.
Phân công cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường giám sát, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật phun tiêu độc, khử trùng để đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người, động vật và phương tiện.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh, bảo vệ sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, trong tháng 1/2021, Sở NN&PTNT phối hợp với chính quyền địa phương triển khai 1 đợt phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi tại hơn 100.000 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Việc thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi được xem là biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là trong thời điểm giao mùa, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng như hiện nay.
Bên cạnh sự cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân chủ động, tích cực trong việc vệ sinh, phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm…
Thúy Tình