Hỗ trợ đối tượng không có khả năng thoát nghèo
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 6 vạn đối tượng bảo trợ xã hội, khoảng hơn 2.000 người trong số này thuộc hộ nghèo. Do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, họ không có khả năng thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Nguyên nhân nghèo chủ yếu được chỉ ra là do: Thiếu đất và phương tiện sản xuất; không có người lao động hoặc không còn khả năng lao động; gia đình có thành viên mắc bệnh hiểm nghèo và người khuyết tật, người mắc tệ nạn xã hội…
Nhằm giúp đỡ các đối tượng này, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Sở LĐ-TBXH đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Dự thảo Nghị quyết sẽ được HĐND tỉnh xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 17 tới đây.
Vĩnh Phúc ngày nay |
Theo nội dung dự thảo Nghị quyết, tỉnh sẽ hỗ trợ hàng tháng đối với người cao tuổi cô đơn, người nhiễm HIV, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người đơn thân nuôi con không còn khả năng lao động, người mắc bệnh hiểm nghèo trong các hộ nghèo. Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ hàng tháng đối với các thành viên còn lại trong hộ không trong độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động nhưng không còn khả năng lao động. Mức hỗ trợ hàng tháng bằng mức chuẩn nghèo theo mỗi thời kỳ (năm 2020, khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 900.000 đồng/người/tháng.)
Với mức hỗ trợ như trong dự thảo Nghị quyết, số hộ nghèo có các thành viên là đối tượng bảo trợ xã hội (2.314 hộ) sẽ thoát nghèo.
Đối với các hộ sau khi thoát nghèo, dự thảo Nghị quyết quy định hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho các thành viên còn lại không trong độ tuổi lao động, người trong độ tuổi lao động nhưng không có khả năng lao động hoặc bị mắc bệnh hiểm nghèo. Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với các thành viên thuộc hộ gia đình được công nhận thoát nghèo vượt qua mức chuẩn cận nghèo mà chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Ngày 26/5, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện Dự thảo Nghị quyết. Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết để thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, đồng thời cũng đưa ra một số điểm còn băn khoăn. Các đại biểu cũng nhấn mạnh việc cơ quan soạn thảo cần xác định thời gian thực hiện Nghị quyết và đưa ra được giải pháp kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết để tránh tình trạng tiêu cực, trục lợi. Các ý kiến phản biện được Thường trực LHHKH&KT tỉnh tiếp thu, tổng hợp chuyển cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý.
Chính sách cần thiết
Giảm nghèo bền vững được coi là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong các mục tiêu phát triển KT-XH. Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, các chính sách về giảm nghèo của Vĩnh Phúc luôn hướng vào phát triển con người, tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh, thực hiện công bằng xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người gặp rủi ro… được hỗ trợ kịp thời, cải thiện cuộc sống về vật chất lẫn tinh thần.
Các chính sách và giải pháp giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên cả 3 phương diện, trở thành chỗ dựa vững chắc cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,86%/năm, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đề ra hàng năm.
Có thể nói, việc ban hành một số chính chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống trên địa bàn tỉnh là cần thiết. Các chính sách đó tạo cơ hội cho người nghèo, đặc biệt là nhóm hộ nghèo yếu thế, dễ bị tổn thương tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có thu nhập thường xuyên góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tiến tới mục tiêu tỉnh Vĩnh Phúc không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo chung của quốc gia.
Lê Na
Ảnh: Lệ Yên