Ban hành chương trình hành động, hỗ trợ kinh phí

Để phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành chương trình hành động và phê duyệt đề án hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó là hỗ trợ kinh phí triển khai các dự án hợp tác giữa doanh nghiệp với cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước để đổi mới công nghệ; hỗ trợ lãi suất vốn vay thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ; hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; xây dựng và phát triển thị trường khoa học công nghệ…

Tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức nghiên cứu, xây dựng và đưa vào hoạt động Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến Vĩnh Phúc. Đây là diễn đàn kết nối cung cầu công nghệ, thiết bị có hiệu quả cho doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh hoạt động thị trường công nghệ khoa học. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc tìm kiếm, trao đổi, lựa chọn công nghệ sản xuất sản phẩm nhanh chóng, hiệu quả phù hợp với năng lực.

Hiện sàn giao dịch đã có hơn 2.100 doanh nghiệp tham gia với trên 4.000 sản phẩm được đăng tải thông tin; hướng dẫn, tư vấn cho hơn 1.000 doanh nghiệp và trả lời trên 500 Email từ các doanh nghiệp.

{keywords}

Năm 2019, sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch được tỉnh Vĩnh Phúc cấp chứng nhận đạt chất lượng sản phẩm OCOP 

Để thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng, thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã tổ chức 10 hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất sạch hơn với gần 600 doanh nghiệp tham dự, hỗ trợ 25 doanh nghiệp thực hiện đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn.

Đồng thời, hỗ trợ 30 doanh nghiệp thực hiện chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và đổi mới công nghệ; hỗ trợ 79 doanh nghiệp xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Các cơ quan chức năng đã tư vấn cho gần 1.000 lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

Giai đoạn từ 2013 - 2020, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đã được cấp 3 Bằng độc quyền sáng chế, 136 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 1.357 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Nhờ đó, một số nhãn hiệu đã xây dựng được lòng tin, thương hiệu uy tín với người tiêu dùng trong cả nước như: Gạo Long Trì, tương Khả Do, gốm Hương Canh, đá Hải Lựu, bưởi Vĩnh Tường… Không những vậy, một số sản phẩm còn được xuất khẩu ra nước ngoài như: Thanh long ruột đỏ Lập Thạch, trà hoa vàng Tam Đảo, rau su su Tam Đảo...

Tăng cường năng lực nghiên cứu, đổi mới của DN

Vĩnh Phúc cũng chú trọng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường năng lực nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao, đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, tạo điều kiện ưu tiên cho các doanh nghiệp bước đầu áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích hợp tác và chia sẻ công nghệ giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.

Giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh có 19 doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, hỗ trợ tổng kinh phí trên 49,1 tỷ đồng cho 19 dự án thuộc Chương trình nông thôn, miền núi và 6 doanh nghiệp đã đăng ký 7 đề tài nghiên cứu khoa học. Tỉnh cũng đã cấp hơn 2,9 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng sản phẩm, chứng chỉ quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm định đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký bản quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng thương hiệu hàng hóa; tạo điều kiện để doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa trong tỉnh với thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

Cũng trong giai đoạn 2013 – 2020, tỉnh đã triển khai xây dựng, chuyển đổi và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO cho 66 đơn vị hành chính nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.

Minh Vy