Thông tin từ Cổng thông tin Vĩnh Phúc cho biết: Với mục tiêu rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính và sớm hoàn thành tiến độ triển khai các dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương và khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực sử dụng, khai thác các dịch vụ công trực tuyến, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử.

Hiện, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.939 dịch vụ công nhưng chủ yếu là mức độ 1 và 2, mức độ 3 và 4 còn ít. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 5 dịch vụ công hoặc nhóm dịch vụ công mức độ 3, 4 đang được triển khai, có liên kết hoặc tích hợp trên Cổng Thông tin – Giao tiếp điện tử. Trong đó, mức độ 3 có 4 dịch vụ gồm: Dịch vụ cấp phép xuất bản bản tin và dịch vụ cấp phép hoạt động in tại Sở Thông tin và Truyền thông; dịch vụ đăng ký lý lịch tư pháp triển khai tại Sở Tư pháp; dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử tại Sở Kế hoạch và Đầu tư và dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe triển khai tại Sở Giao thông Vận tải. Riêng mức độ 4, mới có 1 dịch vụ là cấp đổi giấy phép lái xe quốc tế triển khai tại Sở Giao thông Vận tải. 

Từ giữa năm 2016, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp 42 dịch vụ công mức độ 3 và 4 gửi đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Dự kiến trong năm 2017, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các dịch vụ công này bảo đảm đồng bộ với phần mềm một cửa do Sở Nội vụ đã triển khai cài đặt, hướng dẫn tại các sở, ban, ngành, địa phương.  

Để triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường công tác quản lý  nhà nước; hướng dẫn, hỗ trợ các sở, ngành, địa phương duy trì triển khai 24h/ngày các phần mềm dùng chung - nền tảng chính quyền điện tử như: Cổng thông tin điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử công vụ. Đồng thời tăng cường ứng dụng chữ ký số chuyên dùng; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Đặc biệt, Sở sẽ từng bước thí điểm triển khai dịch vụ công trực tuyến  mức độ 3 và 4 tại một số cơ quan, đơn vị, sau đó nhân rộng, xem xét lựa chọn các dịch vụ có tần suất sử dụng nhiều và lựa chọn thí điểm hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư và phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, tổ chức, công dân.