Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh diễn ra với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Các hoạt động thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến phát triển nhanh do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng... Phổ biến là các mặt hàng: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, giầy dép, đồ điện tử... được giao bán trên các trang mạng xã hội, thiết bị di động sau đó gửi các tổ chức bưu chính chuyển tới tay người tiêu dùng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh, kho cất giấu hàng hoá của các đối tượng để xử lý.
Gian lận thương mại chủ yếu là hàng hóa không thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định, không thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...
Thực thi nhiệm vụ của các cấp, ngành Trung ương và chỉ đạo của tỉnh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các ngành thành viên thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Ngoài việc triển khai sớm kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh năm 2023, các kế hoạch, chương trình kiểm soát chuyên đề cũng được các sở, ngành, địa phương chủ động thực hiện hiệu quả.
Đặc biệt, các ngành chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; các loại tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không có các vụ việc vi phạm nghiêm trọng xảy ra.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, các ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã phát hiện, xử phạt hành chính 1.165 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; khởi tố hình sự 22 vụ với 28 đối tượng; thu nộp ngân sách Nhà nước trên 71.910 triệu đồng; phạt bổ sung, truy thu thuế 44.879 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do vai trò lãnh đạo của một số cấp, ngành nhất là chính quyền cơ sở chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc.
Mặt khác, biên chế của các lực lượng thực thi nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực; điều kiện trang thiệt bị, phương tiện, kinh phí phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế, phần nào đã ảnh hưởng đến kết quả thực thi công vụ.
Trong khi đó, ý thức bảo vệ sản phẩm, thương hiệu của một số doanh nghiệp còn hạn chế nên sự phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa đạt hiệu quả cao.
Dự báo 6 tháng cuối năm 2023, tình hình thị trường sôi động hơn sẽ là cơ hội để các đối tượng lợi dụng tăng cường hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Tăng cường công tác dự báo, theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hoá gắn với kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá và bán theo giá niêm yết, kiên quyết không đề xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhân dân hiểu và chủ động tố giác tội phạm, không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại.
Đồng thời, làm tốt công tác nắm tình hình, diễn biến thị trường, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.