Được triển khai trên nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư, tài khoản định danh điện tử VNeID và căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp điện tử, các mô hình điểm của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số (CĐS), mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Công chức Bộ phận một cửa xã Vân Trục (Lập Thạch) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua VNeID. Ảnh: Trà Hương
Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 260, ngày 16/10/2023 xây dựng mô hình “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ CĐS quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
Các mô hình hoạt động trên nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư, tài khoản định danh điện tử VNeID và CCCD gắn chíp điện tử, gồm 5 nhóm lĩnh vực: Tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tiện ích phát triển kinh tế - xã hội; tiện ích phục vụ công dân số; số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cải cách thủ tục hành chính và phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp.
Để kế hoạch được thực hiện theo đúng lộ trình đề ra, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh, Công an tỉnh đã đẩy mạnh thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp và đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Đồng thời phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tăng cường theo dõi, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện các mô hình.
Đến nay, Công an tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD gắn chíp cho 100% công dân từ đủ 14 tuổi có mặt tại địa bàn. Toàn tỉnh có gần 741.800 công dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử (mức 1 là hơn 56.600 người, mức 2 gần 685.200 người), đạt 75,72% tổng số công dân trên 14 tuổi, là một trong những tỉnh có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước.
Người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Hồng Phương (Yên Lạc). Ảnh: Trà Hương
Hiện, Công an tỉnh đang đẩy mạnh triển khai cấp thẻ căn cước theo quy định của Luật Căn cước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Từ ngày 1/7 đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh đã thu nhận gần 113.500 hồ sơ đề nghị cấp thẻ căn cước.
Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tích cực đăng ký mô hình điểm phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Điển hình như các mô hình: Khám chữa bệnh sử dụng CCCD và VNeID; triển khai nền tảng quản lý lưu trú ASM tại cơ sở lưu trú; triển khai nền tảng quản lý lưu trú ASM tại cơ sở khám chữa bệnh; triển khai giải pháp xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội; đảm bảo điều kiện công dân số; tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID…
Thực hiện mô hình “Khám chữa bệnh sử dụng CCCD và VNeID”, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật (nâng cấp phần mềm, trang thiết bị đầu đọc CCCD gắn chíp); đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về những tiện ích thiết thực khi sử dụng CCCD gắn chíp và ứng dụng VNeID khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đến nay, 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai sử dụng CCCD gắn chíp và ứng dụng VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy khi đăng ký khám, chữa bệnh. Qua đó, giúp bệnh nhân và nhân viên y tế tiết kiệm thời gian, giảm nhiều giấy tờ, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, chính xác; góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Đến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chỉ mất vài phút, ông Nguyễn Văn Hiền ở phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) đã hoàn tất thủ tục đăng ký chỉ với CCCD gắn chíp. Ông Hiền chia sẻ: “Sử dụng CCCD gắn chíp làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đem lại nhiều tiện ích thiết thực, đặc biệt đối với người cao tuổi. Giờ đây đi khám bệnh, tôi không phải đem theo nhiều giấy tờ và mất nhiều thời gian chờ đợi, làm thủ tục như trước nữa”.
Đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Ban Chỉ đạo Đề án 06 huyện Lập Thạch đã thực hiện mô hình điểm “Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua VNeID".
Mô hình được triển khai hiệu quả đã đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho cả người dân và cán bộ giải quyết thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế sai sót, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.
Anh Nguyễn Văn Hưng, xã Đồng Ích (Lập Thạch) chia sẻ: “Nộp hồ sơ trực tuyến qua VNeID rất nhanh chóng, tiện ích, không phải mất thời gian đi lại, chờ đợi. Ban đầu chưa quen nên tôi có đôi chút lúng túng, được sự hướng dẫn của công chức xã, tôi đã nắm được các thao thác, quy trình nộp hồ sơ trực tuyến qua VNeID và có thể tự thực hiện ở những lần tiếp theo”.
Phát huy những kết quả đạt được trong triển khai xây dựng, thực hiện các mô hình điểm của Đề án 06, Công an tỉnh tiếp tục hoàn thiện, duy trì thực hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”; đẩy mạnh công tác cấp thẻ căn cước và định danh điện tử, tạo tiền đề cho các ngành triển khai các dịch vụ trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu về dân cư.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương triển khai các mô hình phù hợp với đặc thù địa phương, lĩnh vực; nghiên cứu, đánh giá hiệu quả thực tiễn và nhân rộng các mô hình hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận, tham gia của người dân, doanh nghiệp trong quá trình triển khai các mô hình.