Đột phá chiến lược từ kết cấu hạ tầng
Tại Việt Nam, khái niệm về đô thị xanh còn khá mới. Hiện nay, việc phát triển đô thị xanh ở Việt Nam gặp nhiều trở ngại do hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn kém, môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, dân số đông nên hạn chế về quỹ đất xây dựng, đội ngũ chuyên gia quy hoạch còn ít và trình độ chưa cao…
Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành đã và đang nỗ lực phát triển, xây dựng đô thị xanh, hiện đại bằng nhiều giải pháp cũng như hành động thiết thực, trong đó có Vĩnh Phúc.
Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng xây dựng, phát triển đô thị bền vững gắn với tăng trưởng xanh, tập trung nguồn lực cho phát triển các khu đô thị, trung tâm thương mại, nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội.
Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhằm xây dựng đô thị Vĩnh Phúc xanh - sạch - đẹp - văn minh, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đang dồn sức huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng khung đô thị, nhất là ưu tiên cho các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Nhiều năm qua, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư cho đô thị được tỉnh chú trọng quan tâm, tập trung triển khai nhiều dự án xây dựng trọng điểm của tỉnh, huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Điển hình là tỉnh đang triển khai Dự án Phát triển đô thị xanh “Chương trình Phát triển các đô thị loại II - Dự án thành phần tỉnh Vĩnh Phúc”.
Để dự án từng bước hoàn thiện, xây dựng thành phố Vĩnh Yên xanh có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng hiện đại, gắn phát triển kinh tế với mô hình tăng trưởng xanh; tạo ra một không gian, vành đai công viên cây xanh phục vụ cộng đồng dân cư và cải thiện môi trường cảnh quan đô thị; đồng thời bảo tồn và giữ gìn hồ Đầm Vạc cho thành phố Vĩnh Yên, UBND tỉnh đã quyết định vay vốn ODA đầu tư xây dựng dự án.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành và đưa vào sử dụng đầy đủ các gói thầu, góp phần xây dựng thành phố Vĩnh Yên hiện đại, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Dự án Phát triển đô thị xanh có tên đầy đủ là “Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Dự án thành phần tỉnh Vĩnh Phúc” có tổng mức đầu tư là 2.234,6 tỷ đồng (tương đương 100,21 triệu USD) từ vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) 1.634 tỷ đồng (tương đương 73,31 triệu USD) chiếm 73,0%; Vốn ODA (ADF) hơn 907,6 tỷ đồng (tương đương 41,9 triệu USD), vốn vay ưu đãi (OCR): 620 tỷ đồng (tương đương 29,4 triệu USD); vốn viện trợ không hoàn lại 44,6 tỷ đồng (tương đương 2,0 triệu USD) và nguồn vốn ngân sách nhà nước do UBND tỉnh Vĩnh Phúc bố trí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước là 599 tỷ đồng (tương đương 26,9 triệu USD) chiếm 27%.
Thời gian thực hiện theo Hiệp định vay vốn đến hết tháng 6/2024. Dự án được thực hiện tại 4 huyện, thành phố Tam Dương, Yên Lạc, Bình Xuyên và Vĩnh Yên. Tổng diện tích đất phải thu hồi là 44,16 ha.
Mục tiêu của dự án là từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo quy hoạch chung đô thị xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 nói chung, từng bước hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên, hệ thống hạ tầng khu đô thị đại học nói riêng.
Đồng thời, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, bảo tồn và giữ gìn diện tích hồ Đầm Vạc cho thành phố Vĩnh Yên, góp phần xây dựng thành phố Vĩnh Yên trở thành một thành phố xanh, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng hiện đại, gắn phát triển kinh tế với mô hình tăng trưởng xanh.
Đặc biệt là tạo ra một không gian, vành đai công viên cây xanh phục vụ chung cho cộng đồng dân cư và cải thiện môi trường cảnh quan cho đô thị…
Dù gặp rất nhiều khó khăn do phải điều chỉnh quy mô, tính chất dự án, đặc biệt là khâu bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng với sự nỗ lực quyết tâm của các cấp, các ngành, chủ đầu tư, các vướng mắc dần được tháo gỡ, từng bước thực hiện quy trình dự án theo cam kết với nhà đầu tư.
Phấn đấu năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại I
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có nội dung: Phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I với tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%.
Nghị quyết còn nhấn mạnh về vấn đề bảo vệ môi trường với những tiêu chí cụ thể như tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường ở khu vực đô thị đạt 97%, khu vực nông thôn đạt 80%. Tỷ lệ chất thải nguy hại và chất thải y tế được xử lý 100%. Tỷ lệ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đạt hơn 95%.
Tỷ lệ dân số đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn) được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 85%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02/BHYT đạt 70%. Phấn đấu tỷ lệ cụm công nghiệp (đang hoạt động hoặc xây dựng mới) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn 100%. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 25%.
Nhìn lại quá trình phát triển đô thị của tỉnh những năm qua có thể thấy, nhiều công trình, dự án đô thị, giao thông được đầu tư xây dựng, tạo dấu ấn mới trong cảnh quan đô thị và mang lại hiệu ứng xã hội cao như đường vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên đoạn từ Quốc lộ 2 đến đường Tôn Đức Thắng, đường vành đai 3, đường vành đai 4, Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc, Dự án Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh), Dự án Cầu Đầm Vạc, đường giao thông đô thị kết hợp đê ngăn nước Đầm Vạc.
Đến nay, tỉnh đã hình thành, phát triển được gần 30 đô thị, trong đó, 2 thành phố là Vĩnh Yên và Phúc Yên là đô thị loại II và loại III; nhiều xã đạt tiêu chí và được công nhận là thị trấn và đô thị loại V.
Cùng với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh theo thời gian, mật độ dân số cao ở khu vực đô thị cũng gây ra sức ép ngày càng lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề ô nhiễm môi trường; thiếu hụt nước sạch, tài nguyên đất đai; quá tải hạ tầng giao thông.
Trước tình hình này, Vĩnh Phúc tập trung vào những giải pháp đồng bộ như xây mới, cải tạo, nâng cấp để hoàn chỉnh các hệ thống cống, rãnh thoát nước thải và hệ thống các trạm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, đảm bảo không để xảy ra úng ngập khi trời mưa làm ách tắc giao thông và gây ô nhiễm môi trường...
Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc và có cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư để khuyến khích tăng nhanh số lượng nhà máy chế biến rác thải đi vào hoạt động. Toàn bộ các nhà máy sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp đều phải có hệ thống xử lý nước thải nội bộ đạt tiêu chuẩn quy định trước khi thải ra hệ thống xử lý chung.
Rác thải trong các khu dân cư phải được thu gom, phân loại chuyển đến cơ sở chế biến rác thải. Bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước. Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ xử lý nước thải, khuyến khích sử dụng công nghệ sạch trong sản xuất để giảm chất thải, tái sử dụng nước thải.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc xây dựng đô thị Vĩnh Yên trở thành đô thị loại I, hướng đến mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành TP Vĩnh Phúc. Cùng với các địa phương trong tỉnh, tập trung phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch, mở rộng và phát triển không gian đô thị trên cơ sở tạo cú hích mạnh mẽ trong phát triển, kết nối Vĩnh Yên với các địa phương bạn, gồm các tuyến giao thông vành đai và các trục đường hướng tâm.
Ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân, như: hệ thống công viên, cây xanh; xây dựng, mở rộng hệ thống đường giao thông; hệ thống thoát nước và các công trình xử lý ngập úng cục bộ; nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt; nhà tang lễ. Quan tâm xây dựng các công trình kiến trúc điểm nhấn đô thị như: Trung tâm triển lãm, hội chợ; thư viện; trung tâm thương mại, tổng hợp, các khu đô thị mới...
Quỳnh Nga