Lợi thế từ vị trí chiến lược

Với lợi thế trên địa bàn có nhiều Khu công công nghiệp lớn, nhiều tập đoàn đa quốc gia, thuận lợi về giao thông, dễ dàng kết nối với các địa phương trong vùng như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên và khu vực Đồng bằng sông Hồng, các doanh nghiệp về CHNT trên địa bàn tỉnh đang có rất nhiều thuận lợi để tiếp cận, mở rộng quy mô.

{keywords}
Ngành CNHT của Vĩnh Phúc đang giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động tại địa phương.

Theo số liệu từ Sở Công Thương Vĩnh Phúc, hiện toàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 2,3 tỷ USD, trong đó có 159 DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 30 DN trong nước. Các doanh nghiệp CNHT đầu tư tại Vĩnh Phúc tập trung vào 5 nhóm ngành công nghiệp lớn, bao gồm: công nghiệp cơ khí; công nghiệp điện tử-tin học; công nghiệp ô tô, xe máy; công nghiệp dệt may, giày dép; công nghiệp vật liệu xây dựng.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã, nâng cao cấp lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, tiếp sức đắc lực cho các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực lớn mạnh.

Việc đẩy mạnh phát triển ngành CNHT cũng giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tăng thu ngân sách nhà nước và góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp giai đoạn 2016 – 2019 của tỉnh bình quân lên 16,2%/năm, cao hơn so với mức tăng 11,35%/năm của giai đoạn 2011 - 2015.

Nhận định về vấn đề này, đại diện Sở Công thương Vĩnh Phúc cho biết, ngành CNHT của tỉnh đã và đang phát triển nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đang có. Bên cạnh chất lượng nguồn lực còn thấp, việc áp dụng công nghệ trong sản xuất còn lạc hậu khiến nhiều sản phẩm CNHT khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như không thể kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI ngay trên địa bàn. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật của tỉnh hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành CNHT, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.

Khơi thông những “điểm nghẽn” của cơ chế

Để khơi thông các “điểm nghẽn” này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định 23 về Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển CNHT tỉnh. Theo đó, để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, ngành CNHT của Vĩnh Phúc trở thành mắt xích cung cấp sản phẩm có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, ngân sách tỉnh và các nguồn huy động xã hội hóa sẽ tập trung hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện.

Cụ thể, hỗ trợ 100% kinh phí cho doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất, xây dựng và công bố thông tin về CNHT hàng năm; hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT; hỗ trợ từ 50 - 100% cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu…

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục chú trọng công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, ngoài thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, đã và đang hướng đến một số nhà đầu tư tiềm năng đến từ Hoa Kỳ, Thụy Điển, Italia… với danh mục dự án kêu gọi đầu tư được xây dựng có chọn lọc, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, dịch vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng thời, tạo cơ chế thông thoáng giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vay đầu tư dài hạn với lãi suất thấp nhằm đầu tư ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất; quan tâm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doang nghiệp.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn cũng cần chủ động đổi mới công nghệ, tư duy và phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị và sản xuất để từng bước giành được chỗ đứng trên thị trường.

Ðây chính là những giải pháp căn cơ, có chiều sâu để bảo đảm sự phát triển ổn định cho ngành CNHT, từ đó, tạo nền tảng quan trọng giúp ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung tăng trưởng bền vững.

Hoàng Hiệp