Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện nhận thức của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất. Bắt nhịp với xu thế của thế giới và trong nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã chuyển động mạnh mẽ để tiếp cận, thích nghi, thúc đẩy, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Nhằm tạo cơ chế, chính sách dẫn đường trong chuyển đổi số, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 39/NQ-HĐND thông qua Đề án Hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 - 2025.
UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, thúc đẩy chuyển đổi số; giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố; triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến kinh tế số, xã hội số trên toàn tỉnh và thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 4 xã, thị trấn.
Nhiều ứng dụng, cơ sở dữ liệu thường xuyên được sử dụng đã tạo ra dữ liệu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuyên môn, nghiệp vụ như: danh mục thuộc nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; người dùng tập trung toàn tỉnh; công báo điện tử; tài liệu lưu trữ lịch sử; hệ thống phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quvền tỉnh; đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hộ tịch điện tử; hồ sơ sức khỏe cá nhân...
Trong chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số và nền tảng số đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Tất cả cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp tỉnh - huyện - xã đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ.
Tất cả cán bộ, công chức cấp tỉnh, 95% cán bộ công chức cấp huyện và 80% cán bộ công chức cấp xã đã được trang bị máy tính để làm việc. Trung tâm Hạ tầng thông tin của tỉnh và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn đều có trung tâm dữ liệu, vận hành hiệu quả các ứng dụng và cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh.
Về phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp hơn 7.000 hộp thư điện tử cho 100% cơ quan, đơn vị địa phương; triển khai phần mềm quản lý văn bản tập trung cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Hiện, toàn bộ hệ thống văn bản đi, văn bản đến (trừ văn bản mật) được xử lý trên môi trường mạng; tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh đạt 93-99%.
Tỉnh triển khai chính thức phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến VNPT iGate đồng bộ tại tỉnh, huyện, xã từ ngày 01/01/2022. Phần mềm đáp ứng khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử; đã kết nối và đồng bộ 744 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đồng thời, liên thông với phần mềm quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư và phần mềm quản lý chứng thực, hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và của tỉnh.
Với nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, góp phần phát triển kinh tế số, năm 2021, Vĩnh Phúc đã quay trở lại xếp vị trí thứ 5 Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và nằm trong top 5 địa phương dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính, trong đó có sự nỗ lực về cải thiện chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh bảo đảm tích hợp, liên thông đồng bộ với Cổng Dịch vụ công của tỉnh và của Quốc gia; bảo đảm tính đồng bộ việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp trên địa bàn toàn tỉnh trong tình hình mới.
Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 11.852 chữ ký số, trong đó 2.059 chữ ký số chuyên dùng dành cho cán bộ cơ quan nhà nước, 9.793 chữ ký số công cộng dành cho doanh nghiệp và cá nhân. Việc nhiều doanh nghiệp, cá nhân sử dụng chữ ký số giúp làm giảm thời gian và công sức xử lý giấy tờ cho cán bộ, doanh nghiệp, nhân dân.
Thời gian tới, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh dự kiến trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về thúc đẩy dịch vụ công mức độ 4, giai đoạn 2022 - 2026 và Nghị quyết về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2026.
Thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, thôn để đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân; đưa người dân lên môi trường số, khuyến khích người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Quỳnh Nga