Thí điểm dịch vụ thanh toán trực tuyến
Thời gian qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC) như: Tăng cường kiểm soát, đôn đốc quá trình xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Rút ngắn tối thiểu 20% thời hạn giải quyết 825 thủ tục hành chính có thời hạn giải quyết trên 10 ngày làm việc.
Đồng thời thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính chậm. Cắt giảm thời gian giải quyết TTHC lĩnh vực thi đua khen thưởng từ 25 ngày xuống còn 12 ngày, giảm 13 ngày so với quy định của Trung ương...
Vĩnh Phúc đẩy mạnh cải cách hành chính tạo tăng trưởng bền vững |
Tỉnh cũng tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu Quốc gia, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai kết nối với cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp. Rà soát, đánh giá cụ thể hiện trạng hạ tầng công nghệ thông tin để có lộ trình, định hướng đầu tư.
Đặc biệt, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh cũng được cải tiến với hệ thống phần mềm một cửa điện tử trong toàn tỉnh, kết nối liên thông đồng bộ giữa Cổng Dịch vụ công tỉnh Vĩnh Phúc tại địa chỉ https://dichvucong.vinhphuc.gov.vn với Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn. Từ đó, tạo thành một hệ thống đồng bộ, hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu quản lý.
Hiện nay, Cổng Dịch vụ công của tỉnh đang cập nhật 772 dịch vụ công mức độ 3 và 4 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đồng thời triển khai 268 dịch vụ công trực tuyến.
Việc triển khai thực hiện các TTHC qua hình thức trực tuyến được quan tâm, chú trọng. Trong đó, điển hình là việc thu phí và lệ phí. Từ 1/6/2020, Vĩnh Phúc chính thức triển khai thu phí, lệ phí dịch vụ công trên nền tảng thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đến tháng 3/2021, cấp tỉnh thanh toán trực tuyến được 2.582 khoản phí và lệ phí, thu được số tiền 672 triệu đồng.
Ngoài ra, từ tháng 12/2020, Chính phủ đã lựa chọn Vĩnh Phúc là địa phương thí điểm dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính đất đai trước khi nhân rộng trên toàn quốc; dịch vụ này đến từng hộ gia đình cá nhân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đến nay, tại cấp tỉnh có 1.400 giao dịch nộp lệ phí trước bạ và thuế thu nhập cá nhân với tổng số tiền thu được trên 4,5 tỷ đồng …
Năm 2021, UBND huyện phấn đấu thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC đầy đủ trên phần mềm một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công của tỉnh, tỷ lệ văn bản đăng ký số đạt 100% đối với cả 2 cấp huyện và xã. Tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận mức độ 3 và 4 đối với cấp huyện trên 30%, mức độ 4 đối với cấp xã trên 20%.
Tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch có yêu cầu thanh toán trên 25% đối với cả 2 cấp. Tỷ lệ TTHC thực hiện 4 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) ở cấp huyện đạt trên 50%, cấp xã đạt trên 80%...
Đưa Chỉ số Cải cách hành chính trong top 15 cả nước
Dù đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính nhưng năm 2020, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh chỉ đạt tổng điểm 85,41/100 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, giảm 5 bậc so với năm 2019.
Cấu trúc thành phần của chỉ số cải cách hành chính gồm 8 lĩnh vực, đánh giá qua 43 tiêu chí với 102 tiêu chí thành phần. Trong đó, 3 lĩnh vực có sự sụt giảm mạnh về điểm số lẫn thứ hạng, gồm: Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; Cải cách tài chính công.
Các lĩnh vực còn lại đều có sự tăng trưởng tốt, nổi bật là Chỉ số SIPAS đạt 9,04 điểm, tỷ lệ hài lòng 90,53%, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2019.
Để đưa Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số SIPAS nằm trong top 15 cả nước vào năm 2021 và những năm tiếp theo, hướng tới mục tiêu “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp”, UBND tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc ngành, lĩnh vực quản lý và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với các tiêu chí đánh giá liên quan bị trừ điểm hoặc sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đánh giá thấp.
Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: Cổng Dịch vụ công của tỉnh và Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đáp ứng đủ số lượng dịch vụ công, mức độ phục vụ hồ sơ phát sinh từ tất cả các cấp... Phối hợp với các sở, ban, ngành trình công bố các TTHC mới; giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh về thủ tục hành chính trong quá trình hoạt động.
Tiếp tục triển khai giải pháp kỹ thuật để kết nối, trao đổi thông tin giữa các hệ thống của tỉnh và các hệ thống của bộ, ngành Trung ương, đảm bảo không ảnh hưởng đến cấu trúc định dạng các gói tin mà phần mềm đã thực hiện từ trước.
Đẩy mạnh cắt giảm thời hạn giải quyết TTHC, đơn giản hóa quy trình giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, nhà nước, của tỉnh về cải cách TTHC, kiểm soát TTHC đến toàn thể cán bộ, công chức sở, ngành, đơn vị và nhân dân.
Thanh Hà