“Trải chiếu hoa”

Nhận thức rõ được vai trò quan trọng của công nghiệp hỗ trợ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành công nghiệp quan trọng này. 

Hôm 20/6, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư, tại khách sạn SQUARE, thuộc tỉnh Kyeonggi, Hàn Quốc. Phó Bí thư thường trực tỉnh kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Trần Văn Vinh chia sẻ: Vĩnh Phúc có điều kiện địa lý, tự nhiên, nhân lực, giao thông hết sức thuận lợi, trở thành địa phương có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, kinh tế địa phương liên tục tăng trưởng bình quân trên 15%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 90%, văn hóa xã hội phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, nhiều năm liên tục đứng đầu về năng lực cạnh tranh, trở thành điểm đến thành công của các nhà đầu tư lớn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

{keywords}
Vĩnh Phúc có điều kiện địa lý, tự nhiên, nhân lực, giao thông hết sức thuận lợi, trở thành địa phương có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Tính đến hết quý 1/2019, Vĩnh Phúc có 345 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của 17 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Vĩnh Phúc, với số vốn đăng ký đầu tư lên tới trên 4,5 tỷ USD. Đáng chú ý, Hàn Quốc đứng đầu đầu tư vào Vĩnh Phúc cả về số dự án lẫn vốn đầu tư, với 179 dự án với quy mô vốn trên 1,6 tỷ USD

Ông Trần Văn Vinh nhấn mạnh, các doanh nghiệp Hàn Quốc ngày càng có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc, đồng thời cam kết Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư vào Vĩnh Phúc một cách hiệu quả, nhất là các dự án như công nghiệp hỗ trợ sản xuất ôtô, xe máy và thiết bị điện tử, sản xuất máy nông nghiệp, vật liệu xây dựng, năng lượng sạch, chế biến nông sản, thực phẩm, các tổ hợp du lịch sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe…

Hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 189 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ USD, trong đó có 159 DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 30 DN trong nước. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư tại Vĩnh Phúc tập trung vào công nghiệp hỗ trợ cho 5 nhóm ngành công nghiệp lớn, bao gồm: công nghiệp cơ khí; công nghiệp điện tử-tin học; công nghiệp ô tô, xe máy; công nghiệp dệt may, giày dép; công nghiệp vật liệu xây dựng.

“Xương sống” của nền kinh tế

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV đã nêu rõ “tập trung phát triển công nghiệp và coi công nghiệp là nền tảng nhằm tạo sự tăng trưởng cao của nền kinh tế, kích thích các ngành dịch vụ, nông nghiệp phát triển”. Để thực hiện được yêu cầu này, tỉnh Vĩnh Phúc coi phát triển CNHT là yêu cầu tất yếu nhằm đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp.

“Bởi công nghiệp hỗ trợ là một trong những yếu tố quan trọng, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ phát triển cũng góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, giảm nhập khẩu, tăng tỷ trọng giá trị xuất khẩu trong cơ cấu xuất nhập khẩu của địa phương” – Ông Lê Duy Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.

 Nhờ chủ trương đó, Vĩnh Phúc đã quy hoạch được 19 khu công nghiệp với quy mô gần 6.000 ha, trong đó có 10 khu đã được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích quy hoạch gần 4.000 ha, tạo điều kiện thuận lợi về mặt hạ tầng phát triên công nghiệp tập trung.

Tỉnh cũng quy hoạch được 32 cụm công nghiệp (CCN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN) với tổng diện tích 625 ha, trong đó 16 cụm được hình thành với tổng diện tích 334 ha.

 Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giúp ngành công nghiệp tĩnh Vĩnh Phúc những năm qua được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng tốt, góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương phát triển, điển hình như ngành cơ khí chế tạo, lắp ráp ôtô, xe máy.

Công nghiệp hỗ trợ cũng giúp hình thành mối liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và DN FDI, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia.

Tuy nhiên, trong thực tế, các dự án công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô, xe máy còn chưa nhiều, mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít về chủng loại và sản lượng, chưa tạo được sức cạnh tranh, do đó để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước, hàng năm ngành ôtô vẫn nhập khẩu một lượng lớn linh kiện, phụ tùng.

Bởi vậy, tới đây, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Đồng thời, quan tâm đến các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp đạt tiêu chuẩn hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Tỉnh cũng đầu tư vào việc tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp với các công ty, tập đoàn lớn, bao gồm các nhà lắp ráp, các nhà cung ứng lớp trên trong và ngoài nước với các doanh nghiệp trong nước để trở thành nhà cung ứng. Tư vấn chuyển giao công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên gia; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thanh Lan