Theo đó, thời gian thực hiện Đề án từ năm 2022 đến 2025 với mục tiêu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã; góp phần tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cho nông sản Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung của ngành nông nghiệp (data warehouse/kho dữ liệu) chuyên sâu phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; hoàn thành xây dựng công cụ, phần mềm phục vụ thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia và sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn; hoàn thành thiết lập hệ thống mạng lưới cung cấp, kết nối thông tin thường xuyên, định kỳ về trung tâm dữ liệu tập trung; 100% cán bộ thuộc hệ thống mạng lưới được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống; thông tin, dữ liệu về tình hình thị trường nông sản được thu thập thường xuyên phục vụ phân tích, dự báo, đảm bảo tính thống nhất, chính xác và kịp thời cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã.
Theo văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, định hướng đến năm 2030, Đề án đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật…) trong thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản; Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã có thể tìm kiếm, khai thác, sử dụng các thông tin, dữ liệu phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản (trừ dữ liệu mật) trên môi trường mạng Internet hoặc Cổng cung cấp dữ liệu mở của ngành, quốc gia; phát triển hệ thống mạng lưới cung cấp, kết nối thông tin thường xuyên, định kỳ về trung tâm dữ liệu tập trung; thu hút được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống thu thập thông tin, phân tích, dự báo thị trường nông sản; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích và dự báo thị trường nông sản.
Về nhiệm vụ và giải pháp, Đề án xác định tập trung xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu tập trung của ngành nông nghiệp (data warehouse/kho dữ liệu) chuyên sâu, phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản (gồm ứng dụng công nghệ thông tin, các công nghệ, thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia và tiềm năng; thu thập thông tin, dữ liệu; Phân tích và dự báo tình hình thị trường; Cung cấp thông tin phân tích, dự báo); Hợp tác, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; xây dựng, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về quy trình vận hành hệ thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; thống nhất từ trung ương đến địa phương; Tổ chức theo dõi, đánh giá hiệu quả thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản.
Ngày 14/12/2022, tại kỳ họp của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã thông qua Nghị quyết ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó sẽ hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt, gồm 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình (giống; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); tối đa không quá 1 tỷ đồng/1 cơ sở sản xuất với Liên hiệp Hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, cơ sở trồng trọt đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có sản xuất các nông sản trồng trọt chủ lực và tiềm năng của tỉnh như: lúa, khoai lang, bưởi Năm Roi, bưởi Da Xanh, cam Sành; nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, dừa, mít; rau củ quả thực phẩm có tổng quy mô từ 30 ha trở lên đối với vùng cây ăn quả; quy mô 20 ha đối với vùng sản xuất rau củ quả thực phẩm; từ 50 ha trở lên đối với lúa. Điều kiện được hưởng ưu đãi này là có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ hoặc có phương án tiêu thụ; có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trồng trọt thuộc Phụ lục các loại công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp cần phổ biến, nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi sẽ hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi heo sẽ hỗ trợ 30% tổng kinh phí đầu tư hệ thống chuồng lạnh khép kín để chăn nuôi heo có áp dụng hệ thống xử lý môi trường, biogas và tối đa không quá 200 triệu đồng/chuồng lạnh, tối đa không quá 1 tỷ đồng/cơ sở đối với Liên hiệp Hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, cơ sở chăn nuôi đáp ứng đủ các điều kiện.