MSVT định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại và truy xuất nguồn gốc nông sản. Nông sản có MSVT được đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường với nguồn gốc tại vùng trồng đó, nhằm tránh trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số. Đây là giải pháp quan trọng để khắc phục những “rào cản” về kiểm dịch thực vật của một số quốc gia đối với nông sản Việt Nam.

Việc cấp MSVT còn giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Để được cấp MSVT, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện, các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng, đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng. Các vùng trồng đủ điều kiện sẽ được cấp mã số và được giám sát, kiểm tra định kỳ.

Toàn huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) hiện có 12 xã được cấp 21 MSVT còn hiệu lực (18 mã nội địa và 3 mã xuất khẩu), với tổng diện tích 177,2ha, bao gồm các loại cây trồng chủ lực: cam sành, nhãn, vú sữa, sầu riêng, lúa. Ước sản lượng 21 MSVT trong 6 tháng đầu năm đạt 11.176 tấn, các vùng sản xuất được cấp MSVT tiêu thụ nông sản thuận lợi, được thương lái trong và ngoài huyện đến tận vườn thu mua.

Cũng tại Vĩnh Long, thời gian qua, huyện Măng Thít cũng đã triển khai thực hiện việc thiết lập, quản lý, giám sát MSVT; tập huấn cho 11 vùng trồng xuất khẩu phục vụ công tác phỏng vấn trực tuyến từ phía Trung Quốc, đang chờ Trung Quốc phỏng vấn và hướng dẫn thực hiện, đề nghị cấp 5 MSVT nội địa.

W-vinhlong.png
Toàn tỉnh Vĩnh Long có hơn 213 vùng trồng đã được cấp mã số 

Xác định rõ tầm quan trọng và những lợi ích của MSVT, thời gian qua, ngành chức năng cũng đã tăng cường tuyên truyền, triển khai cho các địa phương, các vùng trồng có đủ điều kiện và tiêu chuẩn cấp MSVT. Đồng thời, tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ MSVT.

Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh Vĩnh Long có hơn 213 vùng trồng đã được cấp mã số (129 MSVT xuất khẩu và 84 MSVT nội địa) với diện tích 3.744,8ha, 4.070 hộ và 13 mã số cơ sở đóng gói. Trong đó, 129 MSVT xuất khẩu còn hiệu lực với diện tích 2.731,3ha: khoai lang 42 mã số, bưởi 5 roi 25 mã số, sầu riêng 20 mã số, chôm chôm 18 mã số, nhãn 13 mã số, lúa 4 mã số, mít 4 mã số, chanh không hạt 2 mã số; xoài 1 mã số, đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường của Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU... 84 MSVT nội địa với diện tích 1.013,5ha trên các loại cây: nhãn, mít, sầu riêng, cam, bưởi, măng cụt, lúa, ổi, rau các loại. 

Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng các nhãn hiệu, thương hiệu nông sản và chương trình xúc tiến thương mại nông sản; đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xây dựng MSVT, mã số vùng nuôi, mã số cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng tốt cho thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước; tăng cường giám sát việc sử dụng MSVT, mã số vùng nuôi, đặc biệt việc mua, bán các sản phẩm ngoài MSVT, mã số vùng nuôi...