Vĩnh Long là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái đứng thứ hai ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nhiều loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 1-12-2021 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) giai đoạn 2021-2030, Vĩnh Long đã đạt được nhiều thành tựu.

Các chính sách này quy định sử dụng lồng ghép nguồn ngân sách để hỗ trợ xây dựng nhà lưới, nhà màng, hệ thống chuồng lạnh khép kín, xây dựng mới hoặc mua sắm mới trang thiết bị chế biến, bảo quản lạnh nông sản, thủy sản, hỗ trợ phát triển thị trường, tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP... phục vụ phát triển NNCNC. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình, dự án đạt hiệu quả cao, đặc biệt là tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

W-trongkhom.png
Vùng trồng dứa nguyên liệu

Chuyển đổi số trong nông nghiệp được quan tâm đẩy mạnh. Ðến nay, nhiều hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp được ứng dụng hiệu quả. Các ngành chức năng và người dân đã chủ động, tích cực tham gia các sàn thương mại điện tử. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện kết nối và đăng tải thông tin trên sàn giao dịch nông sản điện tử Vĩnh Long (https://www.nsvl.com.vn) hỗ trợ 192 sản phẩm nông dân lên sàn và 72 sản phẩm OCOP cho doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất uy tín, thu hút hơn 14 triệu lượt người (mỗi tháng thu hút hơn 196.000 lượt người truy cập, tương tác). Tỉnh hỗ trợ xây dựng 25 website cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; tổ chức 10 cuộc tuyên truyền, bốn lớp đào tạo kỹ năng cho các cơ sở, doanh nghiệp; tổ chức cuộc thi tìm hiểu thương mại điện tử với 887 lượt tham dự; xây dựng chuyên mục "Chuyển đổi số của tỉnh" trên Ðài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long và Báo Vĩnh Long, trong đó tập trung các tin bài liên quan đến thương mại điện tử.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả; chuyển dần sang tư duy kinh tế nông nghiệp, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích không ngừng tăng lên. Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/NQ-HÐND, ngày 14/12/2022 về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh với bảy chính sách trọng tâm. Theo đó, tỉnh hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào khâu sản xuất, hỗ trợ điều kiện cần về cơ sở vật chất, phần cứng tạo nền móng cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững. Nhóm chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào khâu chế biến, bảo quản và truy xuất nguồn gốc là điều kiện đủ để góp phần tăng tính cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu, uy tín, nâng cao giá trị nông sản, phục vụ xuất khẩu...

Việc xây dựng các cơ sở đạt chuẩn GAP và tương đương cũng như việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cũng được ngành nông nghiệp Vĩnh Long quan tâm nhằm tạo điều kiện cho nông sản của tỉnh được tiêu thụ tốt ở trong nước và nước ngoài. Ngành nông nghiệp tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục khẩn trương phối hợp các ngành, địa phương và người dân thực hiện tốt việc cấp mã số vùng trồng, bảo đảm cho các nông sản chủ lực đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường xuất khẩu.