Nghe tin nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời sáng 4/2/2018 tôi rất bàng hoàng sửng sốt dù vẫn biết tuổi ông đã xấp xỉ 90 và từ vài năm nay ông chỉ thực sự khỏe hơn một chút.
Nhạc sĩ Hoàng Vân mất đi không chỉ là tổn thất cho gia đình, cho thân nhân của ông mà còn là một tổn thất không nhỏ đối với nền âm nhạc Việt Nam, để lại một khoảng trống lớn không thể bù đắp được cho cộng đồng yêu nhạc. Ông - Nhạc sĩ Hoàng Vân - Một người tài năng, có những tác phẩm đầu tiên khi chưa đầy 20 tuổi cùng một sự nghiệp âm nhạc gắn liền với lịch sử dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Hồi nhỏ, như một thôi thúc của số phận, của tài năng, của tình yêu tổ quốc, Hoàng Vân gia nhập Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I), Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 từ khi mới 16 tuổi. Ban đầu ông làm báo, làm công tác địch vận, phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312 rồi được cử đi tu nghiệp âm nhạc ở nước ngoài. Khi về nước, mới chưa đầy 30 tuổi ông đã là chỉ huy dàn nhạc Đoàn ca nhạc Đài TNVN, kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 33 tuổi ông đã là uỷ viên Ban CH Hội Nhạc sĩ Việt Nam (từ 1963 đến 1989).
Những ca khúc thuở đầu đời của ông là: “Chiến thắng Hoà Bình", "Tin chiến thắng", "Chiến thắng Tây Bắc"… Nhưng 24 tuổi thì tên tuổi của nhạc sĩ Hoàng Vân vụt sáng với "Hò kéo pháo", để rồi từ đó liên tiếp với hàng loạt ca khúc ghi dấu ấn sâu đậm trong giới chuyên môn và trong lòng người yêu âm nhạc, như: “Tôi là người thợ lò”, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”, “Quảng Bình quê ta ơi”, “Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng”, “Bài ca xây dựng”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Tình ca Tây Nguyên”…
Bên cạnh sáng tác ca khúc ông còn viết nhiều tác phẩm khí nhạc như: Fugue cho piano, Tổ khúc cho hautboy và piano, Rhapsodie cho violon, độc tấu kèn basson, “Hành khúc con voi”; Độc tấu flute “Vui được mùa”; “Hoa thơm bướm lượn”; Nhạc cho vũ kịch “Chị Sứ”, Concerto cho piano và dàn nhạc, Thơ giao hưởng số 1 “Thành đồng Tổ quốc”, Concerto TS và tình yêu, Đại hợp xướng Điện Biên Phủ...
Ông cũng viết nhiều tác phẩm cho phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình, kịch nói, phối khí và còn là một nhạc sĩ của thiếu nhi, trong đó có những tác phẩm có tên trong danh sách 50 ca khúc thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 như: Mùa hoa phượng, Con chim vành khuyên, Em yêu trường em...
Ngoài bậc thầy trong sáng tác, ông còn là bậc thầy trong đào tạo âm nhạc, học trò mà ông trực tiếp giảng dạy giờ cũng là những tên tuổi thành danh trong giới âm nhạc: Trương Ngọc Ninh, An Thuyên, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường…
Nhạc sĩ Hoàng Vân ra đi để lại cho lịch sử âm nhạc Việt Nam hàng trăm tác phẩm âm nhạc, với nhiều thể loại khác nhau như ca khúc; giao hưởng; hợp xướng và những tác phẩm dành cho thiếu nhi, những bản nhạc phim... Bản hợp xướng “Hồi tưởng”viết cho dàn nhạc là một đỉnh điểm, khắc ghi trong lòng ngườ yêu nhạc nhiều thế hệ: “Trời cao trong xanh sương sớm long lanh/ Mặt nước xanh xanh cành lá rung rinh… Mùa xuân đang đến, nhìn đất nước đổi mới muôn màu…”.
Và mới đây vào 2/9/2017 vừa được vang lên dưới cây đũa chỉ huy của con trai ông- Nhạc trưởng Lê Phi Phi, trong Chương trình hoà nhạc Điều còn mãi vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm báo VietNamNet.
Nhắc đến sự nghiệp và gia tài âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Hoàng Vân, không thể không nhắc đến những người con của ông: Lê Phi Phi một nhạc trưởng tài năng tầm quốc tế, và nữ tiến sĩ Y Linh, nhà nghiên cứu âm nhạc.
Từ năm 1995, cứ mỗi tháng 8, nhân kỳ nghỉ là Lê Phi Phi lại về Việt Nam thăm gia đình. Lần này, vợ chồng anh vừa rời Việt Nam sau các chương trình âm nhạc đầu 2018, tưởng là sức khỏe của cha vẫn bình ổn nên anh lại trở về làm việc ở Macedonia chưa được 2 tuần. Thế rồi, tin dữ đến. Tôi nhớ có lần thăm ông ở Bệnh viện, gặp Lê Phi Phi chăm sóc cha ở đó. Nhạc sĩ Hoàng Vân bảo với tôi, ông đã đi qua năm tháng, đi qua cuộc đời và điều xúc động nhất đối với ông là hình ảnh con trai luôn ở bên mình.
Khi viết những dòng này, tôi nhớ đến ông, người có gương mặt phúc hậu, có thần thái của một nhà hiền triết, sâu lắng, có giọng nói ấm áp, có phong cách, dáng dấp của người Hà Nội gốc, lịch thiệp, trang nhã… Ông bảo, âm nhạc là lẽ sống của đời ông, sự sáng tạo làm cho ông thấy cuộc đời có ý nghĩa, con cái là niềm hạnh phúc và tự hào của ông. Lần ấy, tôi đến mang theo câu chuyện về bản hòa âm làm thay đổi cách diễn đạt của “Hò kéo pháo”. Nhạc sĩ Hoàng Vân nói mở cho ông nghe. Nghe xong, ông nở nụ cười bao dung, bảo mình đã tặng nó cho đời, đời cứ dùng thôi, theo cách mà mọi người mong muốn…
Nghĩ về ông, không chỉ những giai điệu mượt mà, sâu lắng, hùng vĩ vang lên mà trước mắt tôi còn hiển hiện một số bức thư pháp mà tôi đã được xem ông viết, trong đó có chữ Tâm và chữ Nhẫn theo lối chữ thảo, đầy ấn tượng.
Sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân đã được Nhà nước vinh danh bằng nhiều giải thưởng trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000, một Giải thưởng rất đáng mơ ước của nhiều người. Nhưng tôi nghĩ, một phần thưởng cao quý và xứng đáng khác đó là: tên tuổi của ông, Nhạc sĩ Hoàng Vân mãi mãi ghi dấu sâu đậm trong lịch sử âm nhạc nước nhà và trong lòng người yêu âm nhạc.
Bài viết này như một nén nhang tưởng nhớ và biết ơn về những gì ông - Nhạc sĩ Hoàng Vân để lại cho đời và cho bản thân tôi, người yêu nhạc./.
Nhà văn Trần Thị Trường
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Nhóm Thiết kế VietNamNet