Tín hiệu xanh để cả xã hội cùng hành động
- Hàng ngày theo dõi những thông tin liên quan tới chất lượng không khí của Hà Nội, ông có suy nghĩ thế nào về thực trạng này?
Tôi thực sự rất lo ngại! Chưa bao giờ tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động như hiện nay, khi mà Thủ đô của chúng ta bị xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới.
Tôi bị viêm xoang mãn tính, đêm cũng phải đeo khẩu trang vì quá bụi. Bụi mịn rất độc hại. Với kích thước đường kính nhỏ hơn 1/30 sợi tóc, bụi mịn có thể đi rất sâu vào trong phế quản. Nó được ví như kẻ giết người thầm lặng. Đấy là điều tôi lo lắng.
- Loại bụi tử thần này được cho là xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội. Nguyên nhân từ đâu lại có nhiều bụi mịn như vậy, thưa ông?
Nguồn gây ô nhiễm bụi mịn chủ yếu là hệ thống giao thông, cụ thể là các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong. Để biết không khí của Hà Nội ô nhiễm đến mức nào, chúng ta hãy nhìn vào những con đường nhựa của Thủ đô. Con đường đẹp nhất là qua cầu Nhật Tân dẫn đến sân bay Nội Bài, mọi người chụp check-in rất nhiều, đẹp đen nhánh. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, mặt đường đã trở thành màu xi măng. Đó chính là do bụi mịn từ phát thải của phương tiện giao thông ra không khí và lắng lại.
- Ô nhiễm không khí bây giờ thậm chí được ví là một loại “giặc” mới tại Thủ đô. Theo ông, Hà Nội cần có những giải pháp gì để chống lại “giặc ô nhiễm” này?
Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm không khí thì cần bắt đầu từ nguồn. Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia cũng đã thành công cải thiện triệt để chất lượng không khí. Tôi đã sang Trung Quốc nhiều, gặp gỡ nhiều chuyên gia quốc tế và trao đổi về việc Bắc Kinh đã thay đổi ra sao. Họ nói “Bắc Kinh chỉ làm hai năm là xong”. Chính tôi cũng đã nhìn thấy, Bắc Kinh giờ gọn gàng và sạch sẽ như phương Tây vậy.
Có ba điều Bắc Kinh đã làm rất quyết liệt. Thứ nhất là kiên quyết loại bỏ các nhà máy nhiệt điện ở quanh vùng Thủ đô. Thứ hai là đưa công nghệ mới vào thay thế. Thứ ba là tăng cường xe điện. Khi tôi quay trở lại Bắc Kinh sau 3 năm, một loạt những trụ sạc đã xuất hiện khắp một đô thị khổng lồ như vậy. Chuyển đổi xanh trong giao thông có thể xem là chìa khóa giúp Bắc Kinh đưa bầu trời trong xanh trở lại.
Cho nên, việc Vingroup phát động chiến dịch “Vì Thủ đô trong xanh” để kêu gọi cộng đồng chung tay làm trong sạch bầu không khí Hà Nội, tôi cho là nỗ lực hết sức quan trọng. Đây là tín hiệu đầu tiên để chúng ta chung tay cùng hành động.
Một hình mẫu đưa Việt Nam “vươn mình” trong lĩnh vực môi trường
- “Vì Thủ đô trong xanh” là hành động tiếp nối chiến dịch “Mãnh liệt Tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh” do chính Vingroup phát động hồi tháng 6/2024. Ông đánh giá như thế nào về quyết tâm cũng như hành động của doanh nghiệp này với nỗ lực thúc đẩy công cuộc chuyển đổi xanh trong giao thông tại Việt Nam?
Tôi cho rằng đây là một chiến dịch không chỉ thiết thực mà còn là hành động đẹp của một doanh nghiệp Việt. Vừa gióng lên hồi chuông thức tỉnh cộng đồng về sự cấp thiết của vấn đề ô nhiễm không khí, Vingroup và các công ty thành viên còn dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân chuyển đổi xanh, góp phần giảm phát thải ra môi trường. Sự tiên phong đó của Vingroup rất đáng trân trọng. Điều này cho thấy Vingroup và VinFast không chỉ là những doanh nghiệp đầu tàu, là lực kéo của nền kinh tế mà còn là hình mẫu cho xu hướng phát triển bền vững.
Bên cạnh những hy vọng về kết quả cụ thể, thì điều quan trọng là Vingroup đang góp phần thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi, thay đổi tầm nhìn để chúng ta thật sự là một đất nước đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chúng ta không chỉ bằng lòng kỷ nguyên mới là so sánh sự thay đổi với chính chúng ta, mà chúng ta phải tiếp tục thay đổi so với tiêu chuẩn của thế giới, thì mới gọi là “vươn mình” trong lĩnh vực môi trường được.
- Nhưng bầu không khí không phải của riêng cá nhân hay doanh nghiệp nào. Liệu chỉ mình nguồn lực của Vingroup, dù rất mạnh mẽ, có thể tạo ra sự thay đổi đột phá không, thưa ông?
Đúng vậy! Bầu không khí là ống thở chung của mọi người. Chúng ta chia động từ “bảo vệ môi trường” mà chủ ngữ chỉ là “Thành phố Hà Nội bảo vệ môi trường” hay “Vingroup, VinFast bảo vệ môi trường” thôi là không được. Động từ ấy phải được chia ở tất cả các ngôi: anh bảo vệ môi trường, tôi bảo vệ môi trường, chúng ta bảo vệ môi trường, họ bảo vệ môi trường...
Cá nhân cần hành động theo trách nhiệm của cá nhân. Doanh nghiệp, tổ chức cần hành động theo trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức. Đặc biệt, chính quyền cũng cần chung tay để vừa lan tỏa tạo niềm tin, vừa hỗ trợ tạo động lực chuyển đổi xanh cho người dân. Phải là hành động tập thể, phải có sự đồng lòng thì mới tạo ra được sự thay đổi đột phá.
- Ông kỳ vọng gì về chiến dịch “Vì Thủ đô trong xanh”, đặc biệt là trong việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện xanh của người dân để Hà Nội thực sự trở thành một thành phố xanh, sạch và đáng sống?
Những bài học lớn mà Trung Quốc đã làm được với Bắc Kinh, tôi nghĩ ở Việt Nam đến thời điểm này đều có thể làm được với Hà Nội. Một là do quy mô thành phố không lớn bằng Bắc Kinh; hai là nguồn lực của chúng ta bây giờ cũng tốt hơn; ba là chúng ta có doanh nghiệp như Vingroup sẵn sàng đồng hành và bốn là chúng ta đang cải cách thể chế. Trong bối cảnh mới, với tinh thần mới của đất nước, tôi tin chúng ta sẽ thành công.
Hồng Minh (thực hiện)