Ngày 29/8, tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng tổ chức lễ công bố chương trình “Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch 2023” (Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Nhật Bản: Đường tới thành công).
Chương trình hướng tới kết nối các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam và Nhật Bản với các DN đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á.
Đây là cơ hội cho các DN đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm, giải pháp tới các khách hàng lớn tiềm năng. Đặc biệt, các sản phẩm, giải pháp xuất sắc sẽ có cơ hội được DN sở hữu thách thức hỗ trợ phát triển và đầu tư trong tương lai, hướng tới mở rộng thị trường và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại chương trình, 3 tập đoàn lớn của Việt Nam gồm Vingroup, FPT, MoMo cùng 3 tổ chức của Nhật Bản là Tập đoàn Tokyu; Tập đoàn Money Forward; Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng đã đưa ra các đề bài cho các startup chính là những thách thức mà họ đang phải đối diện.
Cụ thể, ông Phan Quang Minh, Giám đốc Chiến lược Công ty VinES (đơn vị thành viên Tập đoàn Vingroup) đưa ra thách thức giải pháp tối ưu hóa giá trị của pin xe điện đã qua thời hạn sử dụng hoặc dung lượng thấp. Việc tối đa hóa sử dụng pin đã qua sử dụng sẽ giúp giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường cũng như giảm giá thành của xe điện.
Về phía MoMo, ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập và Phó chủ tịch cấp cao, Công ty CP Dịch vụ Di động Trực tuyến đưa ra 3 thách thức.
Thứ nhất, làm sao để đổi mới trải nghiệm thanh toán để trở nên thân thiện, dễ sử dụng và thuận tiện hơn cho các phân khúc người dùng chậm áp dụng công nghệ kỹ thuật số, chẳng hạn như người trung niên và người cao tuổi cũng như người dùng sống ở khu vực nông thôn.
Thách thức thứ hai, làm thế nào để thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua mô hình chấm điểm tín dụng hoặc các phương pháp khác, đặc biệt với những người không có lịch sử giao dịch lâu dài trong hệ sinh thái dịch vụ tài chính kỹ thuật số.
Thách thức 3, cách nào để tích hợp hoạt động quyên góp và đóng góp xã hội vào hệ sinh thái dịch vụ tài chính kỹ thuật số để mang lại trải nghiệm thú vị, hấp dẫn cho người dùng.
Trong khi đó, ông Lê Việt Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích & Nền tảng Dữ liệu, Tập đoàn FPT - FPT IS đưa ra 2 thách thức liên quan đến phát triển nền tảng giao dịch; quản lý tín chỉ carbon xuyên biên giới và phát triển trợ lý ảo hỗ trợ tra cứu thông tin pháp lý trong các bộ, ban, ngành.
Về phía Nhật Bản, 3 tổ chức của Nhật Bản là Tập đoàn Tokyu; Tập đoàn Money Forward; Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng cũng đã đưa ra các thách thức liên quan đến giải pháp cho vấn đề phát triển đô thị bền vững; giải pháp Fintech hay phát triển phần mềm sử dụng công nghệ AI.
Với những đề bài gắn liền với thực tiễn của 6 DN sở hữu “thách thức” nêu trên, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) kỳ vọng, sẽ có nhiều giải pháp xuất sắc, giải quyết được các vấn đề tồn tại của DN.
Ông Ishikawa Hiroshi, Giám đốc điều hành JETRO, Cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho biết, các giải pháp đề xuất lọt vào vòng chung kết của Fast Track Pitch sẽ được cộng thêm điểm trong quá trình lựa chọn của Chương trình DX Asia Promotion Program - Chương trình cam kết tổng giá trị tài trợ lên tới 50 triệu yen.