Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng năm 2019.
Theo đó, doanh thu Vinasun đạt 492 tỷ đồng trong quý 3, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 năm gần đây, doanh thu Vinasun ổn định quanh mức 500 tỷ đồng/quý, giảm khoảng 50% so với giai đoạn đầu năm 2017 trở về trước.
Tuy doanh thu giảm nhưng hiệu quả kinh doanh của Vinasun tiếp tục được duy trì ở mức cao, giúp công ty đảm bảo hoạt động kinh doanh có lãi. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp quý 3 ở mức 20,7%, tuy giảm so với 2 quý đầu năm nhưng vẫn cao hơn so với các năm trước.
Trừ đi các loại chi phí, Vinasun có lãi khoảng 10 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính. Cộng thêm tiền lãi từ thanh lý xe, Vinasun báo lãi trước thuế 41,4 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 33 tỷ đồng.
Sau 9 tháng, Vinasun đã đạt doanh thu 1.550 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế đã lên gần 118 tỷ đồng, vượt qua lợi nhuận cả năm 2018.
Năm 2019, Vinasun đặt mục tiêu doanh thu 2.230 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 124,5 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 70% doanh thu và 95% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến cuối tháng 9/2019, Vinasun có 6.456 nhân viên, giảm hơn 300 người so với hồi đầu năm. Trước đó, công ty đã cắt giảm 10.000 nhân sự chỉ trong năm 2017 do gặp áp lực cạnh tranh từ các hãng taxi công nghệ.
Trong năm ngoái, Vinasun đã kiện Grab đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng, nhưng chỉ được tòa tuyên án bồi thường 4,8 tỷ đồng. Vinasun từng đánh giá, hoạt động của công ty bị ảnh hưởng rất lớn bởi các đối thủ nước ngoài: "Các công ty nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh mẽ đang tham gia hoạt động vào thị trường taxi TPHCM với gần 30.000 chiếc và áp dụng các phương thức cạnh tranh bất bình đẳng mang tính chất tận diệt ngành taxi thông qua việc tận dụng kẽ hở của pháp luật là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến hoạt động của công ty".
Tuy nhiên hiện nay, không chỉ các đối thủ nước ngoài mà nhiều doanh nghiệp trong nước cũng tham gia cuộc đua gọi xe công nghệ, như Be hay Mygo.