Liên quan đến khoản lỗ cộng dồn 20.000 tỷ đồng, Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đưa ra nhiều nguyên nhân; trong đó, riêng phần “đóng góp” của các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) trước đây chiếm hơn 12.000 tỷ đồng.
Báo cáo của Vinalines cung cấp cho thấy: Lỗ lũy kế năm 2012 của tổng công ty này hơn 16.000 tỷ đồng, năm 2013 ở mức 23.000 tỷ đồng; năm 2014 ở mức 20.847 tỷ đồng (số liệu Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội).
Danh sách các công ty thuộc Vinalines (nắm trên 51% cổ phần) thua lỗ lớn gồm: Công ty mẹ - Vinalines, Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí Việt Nam; Công ty CP Vận tải Biển Bắc; Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép; Công ty TNHH Cảng Quốc tế SP-PSA; Công ty Liên doanh dịch vụ Cảng Quốc tế SG-SSA.
Trong danh sách này có 2 đơn vị Vinalines tiếp nhận từ Tập đoàn Vinashin trước đây (Hiện tái cơ cấu thành Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC) “đóng góp” hơn nửa số nợ của Vinalines hiện nay. Cụ thể, Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) có lỗ lũy kế đến năm 2014 là 8.904 tỷ đồng; Công ty Vận tải Biển Đông đang lỗ 3.449 tỷ đồng.
Nguyên nhân lỗ được Vinalines đưa ra là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới dẫn đến giá cước vận chuyển và lượng hàng vận chuyển sụt giảm đáng kể, doanh thu không đủ bù đắp các chi phí. Ngoài ra, Vinalines cho rằng, do thời điểm thị trường có diễn biến tốt, các công ty đã đầu tư mua tàu và đầu tư xây dựng cảng từ nguồn vốn vay ngoại tệ lớn. Khi kinh tế thế giới bị suy thoái dẫn đến cước vận chuyển và sản lượng hàng hóa vận chuyển giảm đáng kể, doanh thu không đủ bù đắp chi phí lãi vay, chi phí khấu hao tài sản và chênh lệch tỷ giá.
Giải pháp cắt lỗ được lãnh đạo Vinalines đưa ra bao gồm: Công ty Vận tải Viễn dương Vinashinlines và Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Việt Nam đang thực hiện các thủ tục phá sản. Sau khi thực hiện xong công tác phá sản đối với các doanh nghiệp này, Tổng công ty không phải hợp nhất số liệu của các công ty này nữa và sẽ không còn phải cộng số lỗ lũy kế của các công ty này trên Báo cáo tài chính hợp nhất.
Công ty Vận tải Biển Đông đang được Chính phủ cho phép tái cơ cấu tài chính áp dụng các cơ chế như đối với các doanh nghiệp thuộc Vinashin trước đây. Sau khi tái cơ cấu tài chính, số nợ và lỗ lũy kế của Công ty Vận tải Biển Đông cũng sẽ giảm đi đáng kể.
(Theo Tiền Phong)