Tạo khung pháp lý quan trọng cho doanh nghiệp CNTT phát triển

Trong ý kiến tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT 2006, Luật sư Lê Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) nhận định, Luật CNTT năm 2006 cùng với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã tạo khung pháp lý quan trọng cho sự hình thành, phát triển của lực lượng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT (PM-NDS-DVCNTT) nói riêng.

VINASA kiến nghị thực thi kịp thời Nghị quyết 41 về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp CNTT

Có hiệu lực từ 1/1/2007, Luật CNTT cùng với các Chương trình, Đề án trong lĩnh vực CNTT đã được Bộ TT&TT tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau đó như: Chương trình phát triển Công nghiệp PM Việt Nam đến 2010 (năm 2007), Chương trình phát triển Công nghiệp NDS Việt Nam đến 2010 (năm 2007) và Đề án “Đưa Việt Nam sớm thành nước mạnh về CNTT-TT” (năm 2010) đã góp phần đưa đến những kết quả rất đáng khích lệ của lĩnh vực PM-NDS-DVCNTT trong 10 năm qua.

Ông Hòa cũng cho hay, theo Sách trắng CNTT-TT của Bộ TT&TT, giai đoạn 2006-2016, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực PM-NDS-DVCNTT đã tăng 50 lần, từ khoảng 400 doanh nghiệp của năm 2006 lên trên 20.000 doanh nghiệp vào 2016; tổng doanh thu tăng gần 29 lần, từ 275 triệu USD lên trên 7.900 triệu USD; doanh thu xuất khẩu tăng gấp 45 lần, từ 43 triệu USD lên hơn 3.300 triệu USD.

Để có được bức tranh phát triển của lực lượng doanh nghiệp CNTT như hiện nay, theo đánh giá của VINASA, Luật CNTT và Luật Đầu tư đã qui định rất nhiều chính sách ưu đãi quan trọng cho lĩnh vực CNTT, bao gồm các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế VAT; thuế XNK; thuế nhập khẩu hàng hóa tạo tài sản cố định, thuế nguyên liệu, vật tư linh kiện; miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.. trong đó chính sách ưu đãi về thuế là có tác động quan trọng nhất.

Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch VINASA cũng cho rằng, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp PM-NDS-DVCNTT vẫn có một số tồn tại. Đơn cử như, chính sách ưu đãi về thuế với doanh nghiệp CNTT theo quy định tại Nghị quyết 41 của Chính phủ hiện vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa được triển khai vào thực tiễn để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thu hút nguồn nhân lực, thu hút đầu tư phát triển ngành và thúc đẩy ứng dụng CNTT.

Với thuế thu nhập cá nhân (TNCN), ông Hòa cho biết, theo Luật thuế TNCN 2012, không có ưu đãi nào cho cán bộ làm việc trong lĩnh vực CNTT-VT. Trước đó, giai đoạn 2001-2008, để khuyến khích sự phát triển ngành phần mềm, Chính phủ đã có chính sách ưu đãi về thuế TNCN cho người làm phần mềm. Cụ thể, theo quy định tại Quyết định 128 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ, thu nhập khởi điểm chịu thuế TNCN cho người làm phần mềm tương đương người nước ngoài là 8 triệu đồng (trong khi mức phổ thông là 3 triệu đồng).

Ông Hòa chia sẻ: “Chính phủ hiện đang khuyến khích các cá nhân việc làm tại các Khu Kinh tế. Theo Thông tư 128/2014 của Bộ Tàichính hướng dẫn về việc giảm thuế TNCN với cá nhân làm việc tại các Khu Kinh tế thì mức giảm là 50%.Đây là bất cập lớn trong chính sách ưu đãi khi coi CNTT mà cụ thể là sản xuất phần mềm là lĩnh vực đặc biệt ưu đãi, được hưởng chính sách ưu đãi cao nhất (Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị) nhưng lại không ưu đãi thuế TNCN để thu hút nhân lực tham gia vào ngành”.

Ông Hòa cũng chỉ ra một số bất cập khác như: chính sách ưu đãi hỗ trợ không đến được với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam mà phần lớn chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước; chính sách ưu đãi với doanh nghiệp KHCN khó đi vào cuộc sống; các doanh nghiệp CNTT nhỏ, siêu nhỏ nhìn chung rất khó có cơ hội vào được các khu CNTT tập trung để có thể tiếp cận các điều kiện, chính sách ưu đãi cao hơn của khu này.

VINASA đề xuất hàng loạt chính sách ưu đãi DN để thúc đẩy phát triển CNTT

Trên cơ sở phân tích một số tồn tại liên quan đến chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp PM-NDS-DVCNTT, đồng thời quán triệt quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, đại diện VINASA, Luật sư Lê Xuân Hòa kiến nghị thời gian tới cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy ứng dụng, phát triển CNTT đã được đề ra trong các Nghị quyết Đảng, Chính phủ: Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị; các Nghị quyết 26, 41, 36a, 19 của Chính phủ và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ…

Đồng thời, tập trung xây dựng môi trường thể chế kiến tạo phát triển. Theo đó, cần đổi mới thể chế, cải cách TTHC, nâng nhanh cấp độ Chính phủ điện tử, tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thay đổi tư duy, cách làm từ tháo gõ khó khăn sang tạo thuận lợi hóa thương mại đầu tư; từ phương thức quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm; loại bỏ mọi sự phân biệt đối xử và đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận các nguồn lực và tham gia thực hiện các công trình dự án lớn của nhà nước.

VINASA kiến nghị thực thi kịp thời Nghị quyết 41 về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp CNTT

Bên cạnh những kiến nghị cụ thể với các chính sách về quản lý đầu tư, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và xúc tiến thương mại, để thúc đẩy phát triển ngành trong thời gian tới, đại diện VINASA cũng nêu đề xuất về chính sách ưu đãi thuế.

Cụ thể, VINASA kiến nghị thực thi kịp thời Nghị quyết 41 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT. “Trước hết, trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, cần triển khai ngay việc thực hiện chính sách kéo dài thêm thời gian áp dụng mức thuế xuất 10% trong 15 năm với các dự án đầu tư CNTT có sử dụng thường xuyên trên 1.000 lao động qui định tại mục 2 phần III của Nghị quyết 41”, đại diện VINASA đề xuất.

Cùng với đó, theo VINASA, cũng cần hoàn thành sớm trong năm 2018 việc sửa đổi các luật thuế theo hướng: giữ nguyên các ưu đãi thuế theo qui định của luật hiện hành đồng thời bổ sung thêm các chính sách ưu đãi thuế theo Nghị quyết 41 của Chính phủ; bổ sung chính sách ưu đãi thuế cho đầu tư phát triển hạ tầng số, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; giảm thuế suất Thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn từ 15-17% như tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn APEC Việt Nam 2017; giữ nguyên thuế suất phổ thông của Thuế VAT ở mức 10% như luật hiện hành không tăng lên mức 12% như đề xuất trong dự thảo luật sửa đổi.

Ngoài ra, đại diện VINASA cũng kiến nghị cần rà soát loại bỏ và không ban hành những chính sách, cơ chế quản lý có thể tạo ra rào cản cho phát triển kinh tế số, ví dụ như dự thảo Luật An ninh mạng đang có rất nhiều ý kiến trái chiều cần phải được nghiên cứu cẩn trọng.