Tiếp tục phát huy vai trò nhóm Think Tank
Tại Đại hội lần thứ IV nhiệm kỳ 2016 - 2020 của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) diễn ra mới đây, đánh giá cao những đóng góp của VINASA cho sự phát triển của ngành phần mềm, CNTT Việt Nam và cho các doanh nghiệp hội viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: “VINASA cần phát huy kết quả của nhiệm kỳ vừa qua đã làm rất tốt công tác tư vấn, phản biện chính sách cho Chính phủ, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành để trình Chính phủ, sát cánh cùng Chính phủ trong xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách mới để phát triển ngành và đất nước”.
Một trong những mục tiêu cụ thể của VINASA trong nhiệm kỳ 2016 – 2020 là nỗ lực góp phần thúc đẩy triển khai thực hiệu quả các nghị quyết quan trọng của Đảng và Chính phủ về phát triển và ứng dụng CNTT: Nghị quyết 36 của bộ Chính trị; Nghị quyết 26 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36; Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử… Làm tốt hơn nữa công tác tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, trong đó ưu tiên thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; vận động chính sách ưu đãi thuế cho CNTTT.
Bên cạnh đó, Đại hội IV của VINASA cũng đã xác định rõ 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của chặng đường 5 năm tới là phát huy vai trò của nhóm Think Tank (nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược) và Hội đồng tư vấn chính sách phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tư vấn, phản biện để tham gia có hiệu quả vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách phát triển ngành phần mềm, CNTT, tạo môi trường chính sách thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp và ngành phần mềm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho biết, để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho giai đoạn 5 năm tới, VINASA sẽ triển khai 7 chương trình hoạt động, trong đó đặc biệt là chương trình tư vấn chính sách. “Công tác chính sách luôn là trọng tâm hoạt động của Hiệp hội. Trong nhiệm kỳ IV, VINASA sẽ tăng cường mạnh mẽ hơn nữa năng lực tư vấn chính sách trong tham gia xây dựng chính sách, trong tuyên truyền, phổ biến chính sách, trong theo dõi thực thi chính sách và trong bảo vệ các lợi ích hợp pháp của hội viên”, ông Bình nhấn mạnh.
Xây thư viện, diễn đàn chính sách trực tuyến
Cụ thể, theo chương trình hoạt động tư vấn chính sách đã được Đại hội IV thông qua, bên cạnh việc phát huy mạnh mẽ vai trò của nhóm Think Tank và Hội đồng tư vấn chính sách phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam trong việc thúc đẩy thực thi các nghị quyết, chủ trương chính sách quan trọng của ngành đã được ban hành, thời gian tới, VINASA sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu tham mưu, tư vấn những chủ trương chính sách trong bối cảnh tình hình mới của Việt Nam và quốc tế.
Đồng thời, Hiệp hội cũng sẽ đầu tư xây dựng bộ máy chuyên trách đủ năng lực, phát triển mạng lưới chuyên gia cộng tác viên và áp dụng các phương thức để tập hợp, phát huy trí tuệ của các doanh nghiệp hội viên để tham gia tích cực, chất lượng, hiệu quả vào công tác đề xuất, góp ý xây dựng chính sách mới cũng như phản ánh kịp thời các vấn đề trong thực tế thi hành chính sách liên quan đến ngành.
Đáng chú ý, song song với việc tiếp tục tổ chức Vietnam ICT Summit như một cầu nối trực tiếp, hiệu quả nhất giữa lãnh đạo cao cấp doanh nghiệp CNTT, doanh nghiệp ứng dụng CNTT và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành, VINASA cũng dự kiến sẽ xây dựng thư viện chính sách và diễn đàn chính sách trực tuyến để cập nhật thông tin, phổ biến và tư vấn cho hội viên về các vấn đề liên quan đến chính sách trong ngành.
Định kỳ tổ chức các chương trình khảo sát chuyên đề để nắm bắt tình hình của ngành, hoạt động của các doanh nghiệp, phát hiện các vấn đề liên quan đến chính sách để báo cáo, phản ánh kịp thời với các cơ quan quản lý nhà nước. Hàng năm tổ chức khảo sát toàn quốc và xây dựng Báo cáo tổng quan về ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam làm cơ sở khoa học để đưa ra các đề xuất, khuyến nghị với doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh việc tham gia xây dựng các chính sách phát triển chung toàn ngành, VINASA cũng sẽ chú trọng hơn tới việc nghiên cứu các doanh nghiệp có cùng lĩnh vực sản phẩm hoặc thị trường để vận động, đề xuất một số chính sách chuyên biệt nhằm giải quyết một số vấn đề cụ thể hoặc hỗ trợ phát triển từng lĩnh vực, thị trường chuyên biệt.
Ngoài ra, trong chương trình hoạt động tư vấn chính sách, Hiệp hội cũng mong muốn phát huy vai trò cầu nối, tăng cường thúc đẩy sự quan tâm và tham gia tích cực của các doanh nghiệp hội viên trong công tác đề xuất, góp ý xây dựng và giám sát thực thi chính sách pháp luật liên quan đến ngành và hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời xây dựng Trung tâm tư vấn chính sách, pháp luật để tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp hội viên.
Đổi mới đột phá trong hoạt động của VINASA nhiệm kỳ III (2010 – 2015) là các hoạt động tư vấn chính sách với sự thành lập Hội đồng tư vấn chính sách và nhóm tư vấn chiếm lược Think Tank, với sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín không chỉ trong lĩnh vực CNTT mà cả các chuyên gia về kinh tế, xã hội. Nhiều văn bản chính sách đã ghi dấu đậm nét ý kiến của VINASA và nhóm Think Tank như Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững; Nghị quyết 13 của Trung ương Đảng về phát triển hạ tầng; Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử...