PM.jpg
Năm 2009 sẽ là năm khó khăn cho các doanh nghiệp phần mềm do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ảnh: THANH HẢI

Báo Bưu điện Việt Nam đã phỏng vấn ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký VINASA xung quanh hoạt động của Vinasa trong việc hỗ trợ các thành viên.

Với trọng tâm công tác của VINASA trong năm 2009 là giúp các doanh nghiệp phần mềm trụ vững và vượt qua các khó khăn của kinh tế toàn cầu, Hiệp hội đã có những hoạt động gì để giúp các doanh nghiệp?

Năm 2009 là năm có nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng của ngành phần mềm Việt Nam chắc chắn sẽ bị giảm, thị trường ngoài nước sẽ gặp nhiều khó khăn, thị trường trong nước sẽ là cơ hội tốt nhưng cạnh tranh sẽ khốc liệt. Chương trình hoạt động của VINASA năm 2009 vì vậy phải tập trung vào các hoạt động hỗ trợ hội viên vượt qua khó khăn, giúp hội viên mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Mở đầu cho các hoạt động này là Chương trình xúc tiến xuất khẩu phần mềm, tăng cường hợp tác quốc tế với hai hoạt động: tham gia và tổ chức khu triển lãm gia công phần mềm Việt Nam trong triển lãm CeBIT tại Hanover (Đức) vào tháng 3/2009 với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng; tham gia và tổ chức khu Triển lãm gia công phần mềm Việt Nam (Outsourcing Vietnam) trong triển lãm phần mềm (Sodec) Nhật Bản tại Tokyo vào tháng 5/2009 với kinh phí gần 1 tỷ đồng.

Với trọng tâm công tác năm 2009 là giúp các doanh nghiệp phầm mềm trụ vững và vượt qua các khó khăn của kinh tế toàn cầu, VINASA sẽ căn cứ các định hướng chiến lược sản phẩm và thị trường ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam, trên cơ sở những kết quả đã đạt được của năm 2008 và bối cảnh tình hình mới. Chương trình hoạt động năm 2009 của VINASA được xác định gồm các hoạt động chính:

phamtancong3333.jpg
"Trọng tâm trong chương trình công tác của Vinasa 2009 là giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn", ông Phạm Tấn Công nói.

Chương trình nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu: Tổ chức Giải thưởng Sao Khuê lần thứ 6; tổ chức hội chợ phần mềm và nhân lực CNTT quốc tế trong dịp WITFOR 2009 (dự kiến tháng 8/2009); tiếp tục tổ chức triển lãm ISGAF và đổi tên thành triển lãm Vietnam Games Show 2009 (quý III/2009, tại TP.HCM) và tách riêng hai nội dung phần mềm và game; tổ chức nhiều chương trình Software RoadShow tại các địa phương để giới thiệu, quảng bá các giải pháp phần mềm cho thị trường nội địa; đẩy mạnh quan hệ hợp tác, phối hợp với Cục ứng dụng CNTT, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số VN, Viện chiến lược TT&TT…

Chương trình xúc tiến xuất khẩu phần mềm, tăng cường hợp tác quan hệ quốc tế: Đẩy mạnh quan hệ với các đối tác Nhật Bản, tổ chức triển lãm CNTT và viễn thông Việt Nam - Nhật Bản (Japan ICT Day 2009) dự kiến tháng 9, tại TP.HCM hoặc vào tháng 8 tại Hà Nội cùng dịp WITFOR 2009; hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như: ASOCIO, WITSA, các Hiệp hội DN phần mềm và CNTT các nước, các tập đoàn đa quốc gia để xây dựng vị thế quốc tế của ngành phần mềm VN; nghiên cứu xây dựng tài liệu tuyên truyền, giới thiệu về ngành công nghệ phần mềm và giới thiệu VINASA đến các đối tác nước ngoài; nghiên cứu, lập kế hoạch và làm việc với các thành phố lớn để triển khai chương trình xây dựng, quảng bá danh hiệu "thành phố outsoucring", nâng cao vị thế trong ngành CNTT quốc tế của các thành phố VN…

Chương trình bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực của Hiệp hội: tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng cao cấp, kỹ năng chuyên ngành theo nhu cầu của hội viên như: quản trị dự án, team leaders, phần mềm nhúng, game… và tham gia xây dựng chính sách phát triển ngành phần mềm. 

Ông có nói, năm 2009 thị trường trong nước là cơ hội tốt nhưng cạnh tranh sẽ khốc liệt. Đối với những doanh nghiệp nhỏ và không phải là thành viên trong hiệp hội thì VINASA có những hoạt động gì giúp các doanh nghiệp này?

Hiện VINASA có trên 160 doanh nghiệp hội viên, quy tụ được khoảng 60% năng lực sản xuất của ngành. Số lượng hội viên so với tổng số các doanh nghiệp phần mềm trong nước là không cao, nhưng năng lực của ngành được quy tụ rất cao. Hầu hết các doanh nghiệp làm phần mềm chủ lực đều là hội viên của VINASA, do đó hỗ trợ tốt được cho hội viên đã là hỗ trợ quá nửa cho ngành.

Nhưng các hoạt động của VINASA không chỉ dừng ở mức hỗ trợ cho các hội viên mà tất cả các doanh nghiệp không phải là hội viên vẫn có thể tham gia. Chỉ có khác, khi các doanh nghiệp là hội viên sẽ được ưu đãi hơn, với các hoạt động có thu phí thì mức thu sẽ thấp hơn nên không có giới hạn giữa trong và ngoài.

Những hoạt động hỗ trợ này sẽ được sắp xếp và phân định theo nhu cầu của doanh nghiệp và lịch thời gian để đảm bảo tháng nào, quý nào đều có hoạt động giúp cho hội viên và tránh được tình trạng trùng lặp.

Được biết những năm gần đây, mỗi năm VINASA được cấp 2-3 tỷ đồng cho hoạt động xúc tiến thương mại. Năm 2009, ngoài những chương trình nói trên Hiệp hội còn được phê duyệt thêm chương trình nào?

 Hiệp hội hy vọng đợt hai sẽ được phê duyệt thêm ít nhất một chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt là chương trình Hội chợ phần mềm và nhân lực CNTT quốc tế (dự kiến tháng 8/2009) nhân dịp Hà Nội đăng cai tổ chức Hội nghị thế giới về CNTT (WITFORD).

Xin cảm ơn ông!