Bước lùi về ưu đãi thuế
Trao đổi với ICTnews, ông Lê Xuân Hòa, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết VINASA đã phối hợp với Hội Tư vấn thuế Việt Nam xây dựng báo cáo đề xuất chính sách ưu đãi thuế cho lĩnh vực CNTT. Báo cáo này vừa được Hiệp hội trình bày tại phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT ngày 28/9/2015, sau đó được tổng hợp trình Chính phủ tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ cuối tháng 9/2015.
Theo phân tích của VINASA, chính sách ưu đãi thuế cho lĩnh vực CNTT hiện hành còn nhiều điểm bất cập.
"Cụ thể, phạm vi ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho ngành CNTT hiện tại đang thấp hơn so với giai đoạn 2001 - 2008, thể hiện ở 2 điểm: Ưu đãi thuế TNDN trước áp dụng cho cả hoạt động sản xuất và dịch vụ phần mềm (gồm cả một số hoạt động dịch vụ CNTT), còn hiện nay chỉ áp dụng cho hoạt động sản xuất phần mềm; Ưu đãi thuế TNCN cho cá nhân làm phần mềm (gồm sản xuất phần mềm và dịch vụ phần mềm) theo mức ưu đãi áp dụng cho người nước ngoài giờ cũng không có ưu đãi.
Mặt khác, phạm vi ưu đãi hiện tại cho ngành CNTT chưa theo kịp sự phát triển của ngành. Hiện chỉ ưu đãi cho sản xuất và dịch vụ phần mềm, không ưu đãi cho dịch vụ CNTT, trong khi trên thực tế, hoạt động sản xuất phần mềm, dịch vụ phần mềm và dịch vụ CNTT có liên quan chặt chẽ với nhau, giao thoa với nhau và là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển lẫn nhau.
Ngoài ra, chính sách ưu đãi thuế hiện tại chưa đồng nhất với quan điểm về ưu đãi thuế cho ngành CNTT trong Luật CNTT, Luật Công nghệ cao và Luật Đầu tư, khi các Luật này xác định ngành CNTT, phần mềm, được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế", ông Lê Xuân Hòa nói.
Đề xuất chính sách ưu đãi thuế đồng bộ, thống nhất hơn
Với tầm quan trọng của ngành CNTT, với cơ hội đứng trước sự bứt phá trong phát triển của ngành CNTT, VINASA đã kiến nghị Chính phủ áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, thuế TNCN đối với ngành CNTT (gồm cả 3 lĩnh vực: sản xuất phần mềm, dịch vụ phần mềm và dịch vụ CNTT).
Về thuế GTGT, ông Lê Xuân Hòa phân tích: "Nhiều công ty kinh doanh trong lĩnh vực CNTT đề nghị sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm được áp dụng thuế suất 0%. Song kiến nghị này của các công ty là không thể thực hiện được vì trái với quy định của Luật Thuế GTGT (Luật Thuế GTGT quy định: “Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế”).
Muốn hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phần mềm không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì có thể kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho phép: bổ sung nhóm sản phẩm, dịch vụ phần mềm, cùng với một số nhóm khác như thức ăn gia súc, gia cầm, máy móc trực tiếp phục vụ cho nông nghiệp; giáo dục, y tế vào nhóm đối tượng: “Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT”. Nếu được chấp nhận, sản phẩm và dịch vụ phần mềm sẽ không phải nộp thuế GTGT khi bán sản phẩm, cung ứng dịch vụ nhưng vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định".
Về thuế TNDN, luật hiện hành quy định: "Sản xuất phần mềm được hưởng ưu đãi ở mức áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm; đối với dự án đầu tư có quy mô lớn và công nghệ cao hoặc mới cần đặc biệt thu hút đầu tư thì căn cứ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ quyết định kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi; nhưng thời gian kéo dài thêm không quá 15 năm (tổng cộng áp dụng thuế suất 10% không quá 30 năm). Dịch vụ phần mềm và dịch vụ CNTT chưa được ưu đãi thuế TNDN.
"Nếu nhìn vào chính sách hiện tại có thể thấy chưa đồng bộ khi chính sách thuế GTGT có ưu đãi cho dịch vụ phần mềm nhưng chính sách thuế TNDN lại không ưu đãi. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định ưu đãi thuế TNDN cho hoạt động dịch vụ phần mềm, dịch vụ CNTT như đối với hoạt động sản xuất phần mềm", ông Lê Xuân Hòa nói.
Về thuế TNCN, Luật Thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn hiện hành không quy định ưu đãi thuế TNCN cho người lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT cũng như các lĩnh vực khác.
Theo phân tích của VINASA và nhiều chuyên gia trong ngành CNTT, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong nước, hạn chế chảy máu chất xám ra nước ngoài do các cá nhân có trình độ chuyên môn cao, làm việc tại nước có chính sách thuế TNCN thấp để tránh thuế..., có thể quy định việc miễn giảm thuế TNCN cho lĩnh vực này theo một trong hai phương án: Thứ nhất, sửa đổi Luật Thuế TNCN để quy định ưu đãi thuế TNCN đối với nhân lực ngành CNTT. Thứ hai, bổ sung quy định giảm thuế TNCN đối với nhân lực công nghệ cao và nhân lực CNTT trong hoạt động sản xuất phần mềm, dịch vụ phần mềm và dịch vụ CNTT như đã giảm 50% thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công làm tại các khu kinh tế.
"Phương án thứ hai có tính khả thi hơn phương án thứ nhất. Vì hiện tại, theo Điều 29 Luật Công nghệ cao về thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao có quy định Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất về thuế TNCN. Tuy nhiên, luật thuế hiện hành chưa hướng dẫn nội dung này.
Hoạt động CNTT, trong đó có sản xuất phần mềm, dịch vụ phần mềm là hoạt động đặc thù. Đặc điểm của ngành CNTT mà trước đây chúng ta chưa nhận thức được đây là ngành mà công việc được thực hiện qua mạng máy tính. Các cá nhân, người tạo lập, viết sản phẩm phần mềm không nhất thiết phải ngồi làm việc tại khu kinh tế, khu công nghệ cao... mới có thể tạo ra sản phẩm; mà với máy tính xách tay bên mình họ có thể ngồi bất cứ đâu để hoàn tất sản phẩm của mình.
Đơn cử như Nguyễn Hà Đông, em viết trò chơi Flappy bird không phụ thuộc em đang ở đâu, nhưng sản phẩm của em đã được hàng triệu người trên thế giới sử dụng. Đề xuất miễn giảm thuế TNCN đối với nhân lực CNTT sẽ tạo điều kiện để thu hút nhân lực công nghệ cao, khuyến khích nguồn nhân lực tham gia hoạt động công nghệ cao và CNTT", ông Lê Xuân Hòa chia sẻ thêm.