Trước lễ ký kết này, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Peter Lysholt Hansen, đã gặp và làm việc với Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng. Hai bên đã trao đổi một số vấn đề về việc Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong hành chính công, đào tạo các chuyên gia đầu ngành và thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác.

Ông Peter Lysholt Hansen cho rằng dự án sẽ giúp các doanh nghiệp phần mềm hai nước dễ dàng hợp tác với nhau hơn. Các doanh nghiệp Đan Mạch sẽ có nhiều cơ hội và thông tin về các đối tác Việt Nam. Hiện nay, có 15 doanh nghiệp phần mềm Đan Mạch đang thực hiện gia công phần mềm tại Việt Nam dưới dạng lập liên doanh nghiệp với đối tác Việt Nam. Theo ông Peter Lysholt Hansen, sắp tới sẽ có thêm một đoàn khoảng 15 doanh nghiệp phần mềm của Đan Mạch sang Việt Nam tìm kiếm đối tác phát triển phần mềm.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa), cho biết dự án này sẽ được thực hiện trong 3 năm, từ 2008 đến 2011, giúp Vinasa phát triển chiến lược tổng thể, tăng năng lực đối thoại chính sách, tăng khả năng hỗ trợ cho các hội viên và năng lực của văn phòng Vinasa. Cụ thể, dự án này sẽ xây dựng chiến lược hoạt động của Vinasa; thực hiện báo cáo đánh giá thực trạng ngành phần mềm Việt Nam; xây dựng cổng thông tin trao đổi, hợp tác với các doanh nghiệp phần mềm Đan Mạch; tổ chức các chương trình đào tạo và các khóa tập huấn cho các hội viên của Vinasa. Bên cạnh đó, sắp tới Vinasa sẽ thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp phần mềm Việt Nam – Đan Mạch nhằm thúc đẩy hợp tác.

Ông Bình cho rằng dự án này là cơ hội tốt để các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tiến vào thị trường châu Âu với Đan Mạch là cửa ngõ.

Ngoài ra, Đại sứ Đan Mạch cho biết, Liên đoàn công nghiệp Đan Mạch (DI) và Hiệp hội CNTT, viễn thông, điện tử và truyền thông Đan mạch (ITEK) sẽ hỗ trợ cho Vinasa cùng các doanh nghiệp hội viên mở rộng quan hệ hợp tác để phát triển phần mềm, đặc biệt là thị trường châu Âu. 

Đỗ Duy - Thế Tùng