|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (đứng giữa) trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Ban lãnh đạo VINASA. Ảnh: Việt Hà. |
VINASA tổ chức Đại hội thành lập vào ngày 26 - 27/4/2002 với tên gọi ban đầu là Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam, tổng số hội viên là 55. Đến nay, số hội viên tăng lên 240 doanh nghiệp, hầu hết là các công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam như FPT, VDC, CMC, VNG... và 14 doanh nghiệp nước ngoài như Microsoft, NEC, Harvey Nash... Các doanh nghiệp hội viên của VINASA đang chiếm 60% lực lượng lao động và 70% doanh số ngành phần mềm cả nước.
Về hoạt động đối ngoại, VINASA đã đại diện cho ngành công nghiệp phần mềm và CNTT Việt Nam để trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Liên minh CNTT thế giới (WISTA), Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO). VINASA đã có quan hệ hợp tác song phương với các tổ chức, hiệp hội quốc gia về CNTT của hơn 30 quốc gia.
Với những nội dung hoạt động chính như liên kết các doanh nghiệp và định hướng phát triển ngành phần mềm, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, tăng cường năng lực và vị thế của ngành phần mềm - dịch vụ CNTT Việt Nam trên thế giới, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước... VINASA đã giúp ngành phần mềm Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao 25 - 40%/năm, doanh thu xuất khẩu chiếm 40% tổng doanh thu toàn ngành, tổng doanh số năm 2011 đạt tới 2,3 tỷ USD.
Đánh gia cao vai trò "ngôi nhà chung", chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp phần mềm của VINASA trong 10 năm qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: Trong bối cảnh Nghị quyết 13 đã coi việc thúc đẩy và phát triển CNTT-TT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình CNH-HĐH đất nước, VINASA và các tổ chức, hiệp hội thành viên cần phát huy vai trò là người tham mưu đắc lực cho Đảng, Chính phủ trong việc phát triển CNTT-TT. Mặt khác, với vai trò là người tập hợp, kết nối các doanh nghiệp đầu ngành, VINASA sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn đạt mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT và CNTT-TT thực sự đóng vai trò "hạ tầng của hạ tầng".
"Đề nghị các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ TT&TT quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho VINASA và các doanh nghiệp hàng đầu tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của ngành và đất nước. Bộ TT&TT cần lắng nghe các ý kiến đóng góp chuyên ngành từ các hội, hiệp hội về CNTT như VINASA, mạnh dạn chia sẻ các dự án, nhiệm vụ cho các hiệp hội, doanh nghiệp để tạo ra sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận nhất trí cao trong sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm và CNTT nước nhà. Đây cũng là một hướng để tăng cường hợp tác theo mô hình Hợp tác Công - Tư mà chúng ta đang tích cực triển khai", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Cam kết rằng Bộ TT&TT sẽ tạo mọi điều kiện để VINASA hỗ trợ doanh nghiệp thành viên phát triển nhanh và bền vững, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son bày tỏ mong muốn VINASA sẽ tập hợp được toàn bộ doanh nghiệp trong ngành phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son (đứng giữa) trao Bằng khen của Bộ trưởng cho 10 cá nhân tiêu biểu của VINASA. Ảnh: Việt Hà
Cũng tại Lễ kỷ niệm sáng nay, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã trao Bằng khen cho 10 cá nhân thuộc VINASA có thành tích đóng góp vào sự phát triển của ngành phần mềm Việt Nam gồm các ông Trương Gia Bình, Phạm Tấn Công, Chu Tiến Dũng, Hà Thế Minh, Nguyễn Nhật Quang, Nguyễn Đình Thắng, Nguyễn Việt Hải, Trương Hoài Trang, Lê Xuân Hòa và bà Nguyễn Thị Thu Giang.
VINASA trao kỷ niệm chương bày tỏ lòng cảm ơn đối với những người đặt nền móng cho sự phát triển của Hiệp hội. Ảnh: Việt Hà
Tối qua, 21/4, tại Gala Dinner kỷ niệm sinh nhật 10 tuổi của mình, VINASA đã trao kỷ niệm chương cho 13 cá nhân đã đặt nền móng vững vàng cho VINASA, trong đó có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Mai Liêm Trực, Vụ trưởng Vụ CNTT Nguyễn Trọng Đường, Viện trưởng Viện Công nghiệp Phần mềm & Nội dung số Hoàng Lê Minh, Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Phần mềm & Nội dung số Trần Minh và Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT Tạ Quang Nghĩa
VINASA đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ mở rộng liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước cũng như với cộng đồng CNTT quốc tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành đạt trên 20%/năm, đưa CNTT trở thành bộ phận trọng yếu trong kết cấu hạ tầng quốc gia, tạo nền tảng công nghệ hiện đại cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hiện đại hóa đất nước.