Như ICTnews đã đưa tin, trong hai ngày 23 - 24/4 vừa qua, tại Hà Nội, VINASA đã tổ chức Đại hội lần thứ IV nhiệm kỳ 2016 - 2020 với khẩu hiệu hành động “Liên kết - Sáng tạo - Hội nhập - Tiên phong”. Đại hội đã bỏ phiếu bầu ra Ban Chấp hành mới của VINASA gồm 52 uỷ viên đại diện cho các doanh nghiệp hội viên ở các lĩnh vực kinh doanh trong ngành, các vùng miền và các quy mô doanh nghiệp, kể cả nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất, PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đã tái đắc cử chức vụ Chủ tịch VINASA với số phiếu ủng hộ 100%. Đây là nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp ông Trương Gia Bình được tín nhiệm giao trọng trách “chèo lái” VINASA.
Bên lềĐại hội IV, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Chủ tịch VINASA đã có cuộc trao đổi với báo chí những bước phát triển, các điểm yếu của ngành phần mềm, dịch vụ CNTT Việt Nam thời gian qua cũng như những định hướng lớn của Hiệp hội trong chặng đường sắp tới.
Doanh nghiệp CNTT Việt cần dũng cảm vươn ra nước ngoài
Nhìn lại chặng đường vừa qua, ông đánh giá như thế nào về những mặt tích cực cũng như những tồn tại của ngành phần mềm Việt Nam?
Có thể nói, ngành phần mềm Việt Nam trong những năm qua tiếp tục tăng trưởng như vũ bão. Trong nhiệm kỳ 2011 - 2015 của VINASA, doanh số phần mềm và dịch vụ xuất khẩu nói riêng đã tăng từ 1,5 tỷ USD lên 3 tỷ USD. Trên thực tiễn, ngành phần mềm đang đi vào tất cả các ngành kinh tế, các hoạt động xã hội, trở thành “hạ tầng của hạ tầng” và là phương thức mới phát triển đất nước.
Nhưng tôi cho rằng chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn. Thứ nhất là phải tăng cường hợp tác vùng miền hơn nữa; giữa các miền Bắc - Trung - Nam cần phải phát triển gắn bó hơn, mạnh mẽ hơn. Thứ hai là, thời gian qua chúng tôi cũng chưa làm được gì nhiều cho khởi nghiệp, để Việt Nam có thêm nhiều Nguyễn Hà Đông hơn nữa. Trong kỳ Đại hội lần này chúng tôi đã bàn và đưa vào chương trình hành động nội dung về hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp nhằm khắc phục những điểm yếu vừa qua.
Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một điểm đến hấp dẫn về gia công phần mềm. Song một số chuyên gia đã bày tỏ lo ngại thời gian tới có thể các đối tác nước ngoài sẽ quan tâm, ưu tiên hơn tới những thị trường như Lào, Campuchia. Ông nghĩ gì về điều này?
Theo tôi, để chọn một nước trở thành quốc gia phát triển phần mềm không có dễ! Quốc gia đó cần phải có dân số cỡ như Việt Nam, khoảng 100 triệu, với tuổi lao động phải là “tuổi vàng” và lực lượng lao động phải có năng lực học hỏi, đồng thời tương đối giỏi về các môn khoa học tự nhiên hoặc máy tính.
Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng nâng cấp các dịch vụ của mình lên thì chúng ta sẽ đối mặt với việc cạnh tranh về giá cả. Điều chúng ta cần phải khẩn trương triển khai trong thời gian sắp tới là đi nhanh chóng vào những công nghệ mới, khi mà cả thế giới đang thiếu hụt trầm trọng. Ở đây tôi muốn nói đến công nghệ Internet vạn vật (Internet of Things - IoT). Nếu Việt Nam xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng nắm chắc công nghệ Internet vạn vật thì Việt Nam sẽ có một tương lai không thể dự báo được.
Cùng với việc phải khẩn trương đi nhanh vào những công nghệ mới, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam cần phải khắc phục những điểm yếu lớn nào để có thể phát triển mạnh thời gian tới, thưa ông?
Sự tăng trưởng của ngành trong những năm qua cho thấy chúng ta đang đi đúng đường. Tuy nhiên, để trở thành một quốc gia mạnh về CNTT thì cộng đồng CNTT nói chung và VINASA nói riêng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Tôi có thể kể đến 3 điểm yếu lớn của lực lượng lao động Việt Nam hiện nay. Thứ nhất là ngoại ngữ, kể cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật. Đây là điểm thua thiệt của Việt Nam so với những nước như Ấn Độ, Bangladesh, Philippines.
Điểm yếu thứ hai chính là trình độ chuyên môn. Vấn đề tôi muốn nói đến ở đây không phải chỉ là chuyên môn về CNTT mà là chuyên môn của các ngành nghề khác. Bởi lẽ, khi làm phần mềm bạn phải nắm vững kiến thức của nhiều ngành: năng lượng, dầu khí, hàng không, vận tải, y tế, giáo dục… , phải trở thành những chuyên gia đa ngành. Điều này nhân lực phần mềm Việt Nam còn rất thiếu.
Và điểm yếu thứ ba là chúng ta cũng chưa quen bán hàng ra thế giới. Những người bán hàng phải có mạng lưới quan hệ, có những kỹ năng mà người Việt Nam mình nói chung bị đánh giá là bán hàng thua xa Trung Quốc và Ấn Độ.
Để đẩy mạnh đưa phần mềm Việt ra nước ngoài, trong chặng đường sắp tới, các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam cần phải làm gì?
Trong những năm vừa qua, chúng ta đã rất thành công trong việc đưa các dịch vụ gia công phần mềm ra nước ngoài. Thậm chí, chúng tôi cũng phát hiện ra rằng có một số doanh nghiệp đã đem sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài, giành được những hợp đồng lớn từ đối tác nước ngoài, ví dụ như Bangladesh đã giao cho một doanh nghiệp Việt Nam (Công ty Hệ thống thông tin FPT - PV) hợp đồng trị giá tới 33,6 triệu USD trong vấn đề làm hệ thống thuế quốc gia.
Tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam đều có thể vươn ra được nước ngoài. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức và phải có lòng dũng cảm.
Sẽ lập ra Hội đồng đầu tư cho các startup công nghệ
Chúng ta vẫn rất khao khát có được những phần mềm định danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Ngay ứng dụng khá “đình đám” Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông cũng chỉ nổi lên trong một thời gian. Trên cương vị của mình tại FPT và VINASA, trong thời gian tới, ông có định hướng gì cho ngành phần mềm nói chung và FPT nói riêng?
Tôi đã đi nhiều nước. Nếu các bạn muốn nói đến phần mềm như hệ điều hành Windows của Microsoft hay phần mềm Watson (phần mềm trí tuệ nhân tạo - PV) của IBM thì tôi cho rằngcho dù Việt Nam có sáng tạo ra nữa cũng không ai mua của Việt Nam. Bởi lẽ đây đã là những phần mềm chuẩn tuần cầu.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trên nền các phần mềm chuẩn đó, chúng ta có thể xây dựng các ứng dụng cho bệnh viện, cho trường đại học, ứng dụng cho giao thông vận tải… Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có FPT đang có rất nhiều sản phẩm như vậy. Vấn đề cần làm là phải đem những phần mềm này bán rộng rãi ra thị trường quốc tế. Thị trường Việt Nam vẫn là sân nhà, bé nhỏ, thị trường thế giới thì mênh mông. Thách thức tôi muốn nhấn mạnh chính là tất cả các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cần phải tìm hướng đi ra nước ngoài.
Để có thêm nhiều phần mềm thương hiệu Việt nổi bật như Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông thì các doanh nghiệp cần phải làm gì, thưa ông?
Tôi cho rằng chúng ta sẽ phải làm rất nhiều việc. Trước tiên chúng ta phải có một khuôn khổ pháp lý đặc thù cho vấn đề khởi nghiệp, trong đó có việc xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Tiếp theo chúng ta cần phải tạo đầu ra cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tức là phải có những doanh nghiệp lớn sẵn sàng tiếp nhận và mua lại những công ty khởi nghiệp để nhanh chóng triển khai ra thị trường.
Còn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, mỗi trường đại học phải trở thành một vườn ươm các doanh nghiệp khởi nghiệp. Giáo dục cần phải thay đổi cách thức tiếp cận, không phải là đào tạo để sinh viên nắm vững kiến thức mà đào tạo để sinh viên có thể tạo ra các giá trị, các sản phẩm của chính mình.
Như ông chia sẻ ở trên, trong kỳ Đại hội IV này, VINSA đã đưa vào chương trình hành động nội dung về hỗ trợ khởi nghiệp. Ông có thể nói rõ hơn về chương trình này?
Tại kỳ Đại hội này, chúng tôi đã bàn luận, đóng góp nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạotrong đó có sáng kiến tổ chức thường niên một hội nghị cấp cao về khởi nghiệp - “Startup Summit”. Trong khuôn khổ hội nghị này, chúng tôi sẽ lập ra Hội đồng đầu tư bao gồm các doanh nghiệp CNTT đã thành công và đây cũng sẽ là những nhà đầu tư đầu tiên cho các ý tưởng khởi nghiệp, đồng thời là những người tiêu thụ, mua bán, sáp nhập các công ty khởi nghiệp đó.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng bàn bạc việc kết nối Hội đồng đầu tư với các Quỹ đầu tư mạo hiểm của Việt Nam và trên thế giới.
Chúng tôi cũng mong muốn bàn với tất cả các trường đại học để cùng nhau mở ra các vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp tại tất cả các trường. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tạo lập những cơ sở đào tạo dành riêng cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp.
Tựu chung lại, chúng tôi muốn xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!