Tập đoàn đầu tư đa lĩnh vực tại Việt Nam
Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital (VCFM) - VinaCapital là một trong những công ty quản lý đầu tư lớn nhất tại Việt Nam và có tầm ảnh hưởng lớn tại Châu Á trên lĩnh vững đầu tư và quản lý tài sản.
Được thành lập vào năm 2003, VinaCapital hiện là tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản hàng đầu tại Việt Nam với tổng giá trị hơn 3,6 tỷ USD.
Ngoài quỹ đầu tư dạng đóng VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) được niêm yết trên sàn giao dịch chính TTCK London và nằm trong danh sách FTSE 250, VinaCapital đang quản lý các quỹ mở, quỹ ETF, các tài khoản ủy thác và quỹ đầu tư nội địa phục vụ nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đội ngũ điều hành của Vinacapital là các giám đốc quản lý có kinh nghiệm sâu rộng về tài chính quốc tế và đầu tư quốc tế, với những cái tên như: Chủ tịch HĐQT TS. Jonathan Choi; phó Chủ tịch Terence F. Mahony, đồng sáng lập và Tổng Giám đốc Don Lam…
Ông Jonathan Choi cũng là chủ tịch Sun Wah Group - HongKong. Đây là một tập đoàn đa ngành với nhiều công ty con tại Hong Kong, Ma Cao, Trung Quốc đại lục, Đông Nam Á, Canada, Mỹ và Úc.
VinaCapital có 5 quỹ mở VESAF, VEOF, VIBF, quỹ trái phiếu VFF, VLBF và một quỹ hoán đổi danh mục ETF VinaCapital VN100.
VESAF là quỹ mở đầu tư chủ yếu vào các cổ phiếu niêm yết có vốn hóa vừa và nhỏ tại Việt Nam, các cổ phiếu có giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, đặc biệt là các cổ phiếu đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài. VESAF lỗ 24,4% trong năm 2022 nhưng lãi 67% trong năm 2021 và lãi 25,6% trong năm 2020.
Quỹ ETF VinaCapital VN100 dựa trên chỉ số VN100. Đây là chỉ số thị trường được Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) xây dựng, bao gồm 100 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa, khả năng thanh khoản và tỷ lệ tự do chuyển nhượng hàng đầu đáp ứng điều kiện tham gia vào bộ chỉ số. Quỹ ETF VinaCapital VN100 lỗ 36,3% trong năm 2022, nhưng lãi 45,8% trong năm 2021 và lãi 38,6% trong năm 2020.
Bên cạnh các quỹ đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu Việt Nam, VinaCapital còn có dịch vụ bảo hiểm liên kết đầu tư. Phí bảo hiểm còn được phân bổ vào các quỹ đầu tư do VinaCapital quản lý. Và danh mục đầu tư VinaCapital VIPS là giải pháp đầu tư của VinaCapital dành cho người Việt và nước ngoài có tài sản lớn.
Bên cạnh đó, tập đoàn VinaCapital hợp tác với các đối tác quốc tế để đầu tư vào các lĩnh vực khách sạn, đầu tư mạo hiểm và năng lượng.
Đầu tư mạnh vào bất động sản, năng lượng
Năng lượng sạch là lĩnh vực VinaCapital ưu tiên đầu tư và phát triển các dự án quy mô lớn.
Đến nay, VinaCapital đã hợp tác chiến lược với GS Energy, một tập đoàn năng lượng hàng đầu Hàn Quốc, để phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng LGN tại tỉnh Long An với công suất 3.000 MW. Dự án này có khả năng đáp ứng khoảng 8% nhu cầu năng lượng của quốc gia khi đi vào vận hành.
Bên cạnh đó, VinaCapital còn tham gia vào phát triển năng lượng tái tạo, trong đó tập trung vào các dự án điện mặt trời và điện gió. Cụ thể, trong năm 2019 VinaCapital đã thành lập công ty Sky-X solar tập trung phát triển điện năng lượng mặt trời. Năm 2021, VinaCapital hợp tác với EDF Renewables - công ty năng lượng tái tạo lớn nhất Châu Âu - để phát triển đường ống 500MW cho các dự án điện gió ở Tây Nguyên.
Đầu tư vào du lịch cũng là một lĩnh vực trọng tâm của VinaCapital, với nhiều dự án tích hợp tầm cỡ quốc tế tại Cam Ranh, Đà Nẵng, Hội An,..v.v. Trong đó, nổi bật là dự án Hoiana (Quảng Nam), khu nghỉ dưỡng tích hợp đẳng cấp thế giới đầu tiên tại Việt Nam, vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD đang triển khai.
Từ năm 2006, VinaCapital đã xây dựng chiến lược đầu tư chú trọng vào việc hợp tác phát triển những ý tưởng lớn dựa trên các xu hướng công nghệ có thể có ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội - con người tại Việt Nam, đầu tư giúp các công ty khởi nghiệp (startups) phát triển nhanh hơn, mở rộng phạm vi hoạt động, tạo lợi thế cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Tháng 8/2018, VinaCapital thành lập VinaCapital Ventures có quy mô 100 triệu USD và là quỹ phát triển bền vững nhất trong số các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đến nay.
Những thương vụ thành công và thua lỗ
Quỹ VOF của VinaCapital khá nổi tiếng. Quỹ này đã đầu tư vào nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt như Vinamilk (VNM), Hòa Phát (HPG), VJC, CTD, FPT, PNJ,...
Từ năm 2018, VinaCapital nhiều lần chốt lời cổ phiếu Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) khi cổ phiếu này tăng lên đỉnh. Cũng trong năm 2018, VinaCapital bán bớt cổ phiếu FRT của FPT Retail sau khi doanh nghiệp này nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu lên HOSE.
Nhiều mã như Viglacera (VGC) và KDC... cũng được VinaCapital khi giá các cổ phiếu này lập đỉnh.
Trong năm năm 2019, VOF của VinaCapital hoàn tất thoái vốn khỏi Vietjet Air (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, ghi nhận khoản lãi gấp đôi sau hơn hai năm đầu tư.
VinaCapital được biết đến với khẩu vị đầu tư vào các công ty có ban quản trị tốt như Hòa Phát (HPG), FPT, VietJet... và hầu hết đều thắng lợi lớn từ các thương vụ này.
Tuy vậy, không phải đầu tư đâu thắng đó, VinaCapital cũng ghi nhận nhiều thương vụ không được như mong đợi.
VOF của VinaCapital từng có thương vụ đầu tư lớn vào Khách sạn Metropole Hà Nội. VinaCapital rao bán cổ phần khách sạn từ năm 2012 và đến giữa năm 2016 mới có thông tin về việc chuyển nhượng thành công.
VinaCapital sau đó bắt tay với Warburg Pincus để đầu tư vào thị trường khách sạn.
Đầu năm 2022, VinaCapital đã thoái toàn bộ vốn tại Yeah1 (YEG) của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống ở vùng giá dưới 20.000 đồng/cp sau một thời gian dài gắn bó, cho dù cổ phiếu này từng có giá cao kỷ lục hơn 300.000 đồng/cp.
Thương vụ đầu tư vào Ba Huân năm 2018 hay trước đó là dự án xây dựng Khách sạn SAS Royal liền kề Công viên Thống Nhất (Hà Nội) và Y Khoa Hoàn Mỹ cũng gây ra nhiều điều tiếng cho công ty này.
Mặc dù có những thương vụ thua lỗ nặng và có những năm hiệu suất âm sâu nhưng VinaCapital vẫn tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam và cho rằng, những biến động hiện tại không ảnh hưởng lâu dài đến tình hình hoạt động của các công ty mà quỹ này đầu tư.
VinaCapital cho rằng, nhiều sự kiện tiêu cực đã được phản ánh vào giá cổ phiếu, một số yếu tố đang trở nên tốt lên, đồng thời xuất hiện những yếu tố tích cực mới cho năm 2023. Định giá của TTCK đang ở vùng thấp trong 10 năm trở lại đây, hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức, trở ngại cho TTCK trong ngắn hạn.