Từ tháng 7/2014, thành phố Đà Nẵng đã chính thức khai trương và đưa vào sử dụng hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng giúp các cơ quan nhà nước thành phố ứng dụng CNTT để hoạt động hiệu quả hơn, đẩy mạnh cải cách hành chính, giúp tổ chức, công dân sử dụng dịch vụ công và tiếp cận thông tin của chính quyền thuận lợi hơn.

Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng bao gồm các thành phần chính là: Trung tâm dữ liệu Đà Nẵng (Danang Data Center), mạng đô thị kết nối các cơ quan (MAN), hệ thống W-iFi thành phố, Trung tâm Thông tin dịch vụ công (Tổng đài 1022), Cổng tích hợp egov.danang.gov.vn bao gồm các phần mềm ứng dụng Thư điện tử, Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, Một cửa điện tử, Cổng góp ý, hơn 520 dịch vụ công trực tuyến và các cơ sở dữ liệu nền (nhân khẩu, hộ khẩu, dân cư, hộ tịch, cán bộ công chức, bản đồ GIS). Công tác ứng dụng CNTT của thành phố Đà Nẵng.

Công tác ứng dụng CNTT của thành phố Đà Nẵng đã đạt được các kết quả công tác tốt và được ghi nhận thông qua các giải thưởng trong nước và quốc tế như: 8 năm liên tiếp (từ 2009-2016) Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Giải Nhất ASEAN ICTn Award 2015 về “Ứng dụng CNTT-TT cho khu vực công” do Bộ trưởng Viễn thông và CNTT các nước ASEAN trao tặng.

Theo kết quả kiểm tra và đề xuất của Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ về tình hình xây dựng chính quyền điện tử Đà Nẵng, Nghị quyết 01/2015 của Chính phủ đã chỉ đạo nhân rộng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng cho các tỉnh, thành và bộ, ngành. Với các kết quả đem lại trong xây dựng và vận hành Chính quyền điện tử: Đà Nẵng đã hình thành nền tảng, hội tụ những điều kiện thuận lợi để bắt đầu triển khai xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững.

Năm 2013, Tập đoàn IBM đã cử đoàn chuyên gia tư vấn cao cấp để giúp chính quyền thành phố khảo sát thực tế và đề xuất xây dựng thành phố thông minh phù hợp với Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, Sở TT&TT đã xây dựng và trình UBND thành phố phê duyệt Đề án xây dựng thành phố thông minh phù hợp với Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, Sở TT&TT đã xây dựng và trình UBND thành phố phê duyệt Đề án xây dựng thành phố thông minh hơn tại Quyết định số 1797/QĐ-UBND ngày 25/3/2014. Đề án xác định 5 lĩnh vực ưu tiên triển khai là: Giao thông thông minh, cấp nước thông minh, thoát nước thông minh, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện tại, UBND TP Đà Nẵng đang giao Sở TT&TT phối hợp với Tập đoàn Viettel xây dựng Khung kiến trúc tổng thể thành phố thông minh Đà Nẵng (dự kiến sẽ ban hành trong tháng 6/2017) để làm cơ sở triển khai đồng bộ, thống nhất, các ứng dụng thông minh tại Đà Nẵng. Ngoài ra Đà Nẵng đã và đang xây dựng Khung ứng dụng CNTT cho các chuyên ngành như: Giáo dục và đào tạo, y tế, giao thông, môi trường, nông nghiệp, du lịch…

Cũng theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, hiện nay việc xây dựng thành phố thông minh ở Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả ở một số lĩnh vực. Trong lĩnh vực giao thông, Đà Nẵng đã xây dựng Hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình. Thông qua các thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên từng xe buýt, hệ thống thu thập được các thông tin như: vị trí, vận tốc, địa điểm, thời gian dự kiện đến trạm, lộ trình xe theo thời gian thực, cập nhật vị trí hiện tại trên bản đồ và thời gian đến trạm của các xe buýt. Người dân có thể tra cứu hành trình xe buýt trên các website, qua tin nhắn SMS, qua mạng xã hội. Thành phố Đà Nẵng cũng vừa đưa vào sử dụng ứng dụng tra cứu xe buýt Danabus trên điện thoại di động để tạo thuận lợi cho người dân tra cứu thông tin.

Đà Nẵng cũng thiết lập hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và trung tâm điều hành tại Trung tâm Quản lý và vận hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng. Triển khai các camera giám sát xe ô tô, giám sát giao thông tự động phát hiện các trường hợp vượt đèn đỏ và lấn làn tổng cộng tại 128 nút giao thông. Hệ thống camera này giúp thành phố bắt đầu xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh camera từ ngày 1/11/2016.

Trong lĩnh vực giám sát an ninh, trật tự, UBND thành phố đã phê duyệt dự án đầu tư hệ thống camera giám sát an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với quy mô 1.609 camera trên địa bàn thành phố trong năm 2017, hiện đang triển khai ở quận Hải Châu.

Về môi trường, Đà Nẵng đã triển khai trạm giám sát và cảnh báo sớm, tự động chất lượng nước tại nhà máy nước Cầu Đỏ. Hệ thống này tự động thu thập và phân tích dữ liệu qua các thiết bị cảm biến và cung cấp các thông số theo thời gian thực về chất lượng nước. Hệ thống tự động hiển thị các chỉ số lên bảng thông báo phục vụ cơ quan quản lý và cung cấp công khai thông tin cho cộng đồng.

Về quản lý nước thải ao, hồ, Đà Nẵng triển khai hệ thống giám sát và cảnh báo sớm môi trường nước tại hồ Thạc Gián để phát hiện và cảnh báo sớm các chỉ số để xử lý kịp thời, tránh xảy ra những tình trạng khủng hoảng môi trường. Đây là sản phẩm do Sở TT&TT Đà Nẵng phát triển và làm chủ công nghệ.

UBDN thành phố Đà Nẵng cũng quyết định thí điểm Hệ thống phát hiện sớm và cảnh báo sớm cháy rừng trên Hải Vân và nghiên cứu, đề xuất giám sát môi trường tại bãi rác Khánh Sơn, thời gian thực hiện trong năm 2017. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng triển khai một số cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, giáo dục đào tạo và y tế.