donathaiti1.jpg
Thủ đô Port-au-Prince chỉ còn là một đống đổ nát sau trận động đất. Ảnh: Reuters

Trận động đất tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, cướp đi mạng sống của hơn 300.000 người Haiti xảy ra chỉ 3 ngày trước khi Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sang quốc gia châu Mỹ này ký hợp đồng thành lập liên doanh về viễn thông. Không có ai tin là Viettel sẽ quay lại và thực hiện cam kết đầu tư bởi 90% các công trình lớn của Haiti bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hỏng rất nặng, Thủ đô Port-au-Prince gần như bị san phẳng, hơn 2 triệu người lâm vào cảnh không nhà…

Cộng với những thiệt hại kể trên là tình hình chính trị bất ổn, bạo động, biểu tình diễn ra thường xuyên, lạm phát cao, trộm cắp hoành hành… Chưa hết, 80% trong số 9,8 triệu người dân Haiti vẫn sống trong cảnh nghèo đói, với thu nhập chưa tới 2 USD/ngày.

Với Công ty viễn thông Teleco, đơn vị mà Viettel sẽ mua 60% vốn để thành lập liên doanh, hơn 80% hạ tầng đã bị phá hủy hoàn toàn. Trước khi vụ động đất xảy ra, Teleco lỗ ít nhất 1 triệu USD/tháng và tình trạng này kéo dài từ năm 2001. Teleco chỉ có khoảng 40.000 thuê bao điện thoại cố định và đang giảm dần.

Trong khi đó, Viettel chưa từng có kinh nghiệm điều hành hoạt động kinh doanh xa với trụ sở chính như vậy. Campuchia, Lào – hai thị trường mà Viettel đã thành công và giữ vị trí số 1 về viễn thông chỉ cách Việt Nam 2 giờ máy bay; còn Haiti phải mất tới 36 tiếng kể từ khi bước chân lên máy bay và đến được nơi cần.

Chuyện đảm bảo công việc vận chuyển thiết bị (logistics) cho một thị trường cách đến nửa vòng trái đất là chuyện mà tập đoàn này chưa từng có kinh nghiệm. Chưa hết, dân cư của Haiti lại sống trên các sườn đồi, núi nên các kinh nghiệm quy hoạch và xây dựng mạng lưới đã lích lũy tại Việt Nam, Campuchia, Lào không còn sử dụng được nữa.

Với tất cả những khó khăn kể trên, việc quyết định tiếp tục đầu tư đã là một bất ngờ lớn. Đây cũng là lý do mà Telecom TV One (Anh) đã bình luận rằng “Viettel bắt đầu đi trên con đường mà những nhà tư bản sợ phải đi!” khi hãng viễn thông Việt Nam chính thức tiếp quản Teleco, và thành lập liên doanh Natcom. Trong quá trình đầu tư thực tế, “những nhà tư bản” - theo cách nói của Telecom TV One (Anh), còn cảm thấy khủng khiếp khi biết rằng những người Việt Nam đến đây còn phải đương đầu thêm với bệnh dịch tả khủng khiếp, lây lan cực nhanh, cướp đi mạng sống của hơn 5.000 người dân Haiti.

Bất chấp tất cả những khó khăn đó, những người Việt Nam và Haiti tại liên doanh Natcom dường như không biết sợ hãi và cũng chẳng ngại khó khăn. Chỉ sau hơn 1 năm chính thức đầu tư, ngày 7/9/2011, Natcom đã chính thức khai trương mạng viễn thông, với cơ sở hạ tầng về mạng di động đứng số 1 Haiti. Số trạm thu phát sóng của Natcom là gần 1.000, nhiều hơn 30% so với mạng di động lớn nhất của Haiti trước đó (Digicel) triển khai trong 6 năm. Bên cạnh đó, 3.000km cáp quang được xây dựng mới, phủ đến cấp huyện và gấp 20 lần số cáp quang mà Haiti có trước tháng 9/2011.

Vào thời điểm khai trương, Natcom là công ty duy nhất tại Haiti cung cấp đầy đủ dịch vụ viễn thông, và cũng là công ty duy nhất cung cấp công nghệ 3G. Đây cũng là nhà mạng sở hữu cổng kết nối Internet quốc tế duy nhất của Haiti qua tuyến cáp quang biển 10Gbps tới Bahamas kết nối đi Mỹ. Với kênh phân phối phủ xuống tận thôn, xã, Natcom đã nhanh chóng có 250.000 thuê bao di động sau 1 tháng cung cấp thử nghiệm trước ngày khai trương (7/9/2011). Sự xuất hiện của Natcom đã trực tiếp thúc đẩy giảm mặt bằng giá tới 20% so với trước đây.

Những kết quả về đầu tư sau hơn 1 năm của những người Việt Nam tại quốc gia vừa trải qua thảm họa động đất, làm kinh ngạc bất kỳ một nhà chuyên môn nào trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin của thế giới. Điều này giống như phần kết có hậu đầu tiên của một câu chuyện cổ tích thời hiện đại mà trước đó ngay cả những người lãng mạn nhất cũng khó tin.

Trong khi đó, những người Việt Nam đến đây đầu tư lại có cách lý giải khá đơn giản về những quyết định khó hiểu của mình. Giải thích về việc vẫn giữ cam kết đầu tư vào Haiti sau thảm họa động đất, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel đã phát biểu trong lễ khai trương của Natcom: “Bởi chúng tôi đến từ Việt Nam - một đất nước anh hùng, chưa bao giờ thất bại trước khó khăn gian khổ. Và luôn giữ đúng lời hứa của mình cũng là truyền thống của người Việt Nam”.

Nguoihaiti_nghe_di_dong-1.jpg
Người Haiti rạng rỡ với dịch vụ di động mà người Việt Nam đem đến, lần đầu tiên trong lịch sử họ biết đến 3G. Ảnh: Xuân An

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thêm: “Từ góc độ là nhà đầu tư quốc tế, Viettel thấy ở đây có nhiều tiềm năng để cho thị trường viễn thông và CNTT phát triển. Một đất nước đang nỗ lực tái thiết để tạo đà phát triển như Haiti hẳn nhiên là có nhu cầu viễn thông rất cao. Vậy mà mới chỉ có 35% dân số được sử dụng dịch vụ, chưa bằng một nửa so với mức trung bình của thế giới, dịch vụ điện thoại ở đây có giá cước cao hơn các nước đang phát triển và cũng mới chỉ tập trung ở các thành phố lớn”.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo của Viettel phân tích thêm những cơ hội nảy sinh từ khó khăn. Thứ nhất, Viettel đến với Teleco khi họ đang tuyệt vọng, nhờ vậy khoảng cách giữa hai bên được rút ngắn nhanh chóng. Hai bên dễ dàng tìm được tiếng nói chung cũng như sự đồng cảm trong việc đồng cam, cộng khổ tái thiết lại công ty trong muôn vàn khó khăn và tạo ra tốc độ xây dựng thần tốc.

Thứ hai, sau thảm họa động đất, khoảng cách giữa các công ty viễn thông được thu hẹp lại rất nhiều bởi các hãng khác cũng phải xây dựng hạ tầng lại như Natcom. Thứ ba, giá cước di động ở Haiti hiện khoảng 10 cent/phút mà Viettel đã có kinh nghiệm ở thị trường chỉ 3 cent/phút, nên cơ hội ở đây vẫn khả quan.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng bổ sung thêm: “Chúng tôi từng thành công ở Campuchia, Lào và đã trở thành công ty số 1 về thị phần tại các thị trường này. Nhưng Haiti thì hoàn toàn khác. Đây là thị trường xa nhất, khó khăn nhất và cũng nghèo nhất. Cũng vì thế, mặc dù Natcom có được những kết quả tích cực ban đầu trong việc xây dựng hạ tầng trong thời gian ngắn nhưng khó khăn ở phía trước còn rất lớn. Tuy nhiên, nếu như Viettel có thể thành công tại đây thì cũng có thể làm được như vậy ở nhiều thị trường khác mà chúng tôi dự kiến đầu tư (Peru, Mozambic)”.