Năm nay, Viettel đã tham dự MWC lần thứ 5. Tới kỳ tham dự này, cảm nhận của ông về sự thay đổi của Viettel so với những biến đổi trong ngành di động trên thế giới ra sao?
Khi sang đây tham gia triển lãm này, chúng tôi có nhiều mục đích. Mục đích thứ nhất là đi học hỏi, xem thế giới đang làm như thế nào, các đối tác ra sao, công nghệ đã phát triển đến đâu rồi. Việc này năm nào Viettel đều cử chuyên gia sang để làm và tôi nghĩ là kết quả rất tốt.
Mục đích thứ hai là khi Viettel có gian hàng ở đây thì sẽ là nơi để các đối tác tìm tới và đặt vấn đề hợp tác. Tôi thấy hàng năm, đặc biệt năm nay, số lượng các công ty, các quan chức chính phủ đến làm việc với Viettel cho các mục đích khác nhau rất đông. Đó là tín hiệu rất tốt, thể hiện danh tiếng của Viettel ngày càng được nhiều người quan tâm và biết đến hơn.
Thứ ba, việc hiện diện ở MWC là cơ hội để Viettel quảng bá sản phẩm của mình. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng, sản phẩm Viettel hiện nay vẫn chưa phong phú.
Dẫu vậy, vẫn có rất nhiều người đến gian hàng của Viettel, và chúng tôi cũng có cơ hội nói về sản phẩm của mình. Bước tiếp theo trong tiến trình là muốn bán được sản phẩm thì phải bám được khách hàng, phải có chiến lược marketing đặc biệt. Tôi hy vọng sau triển lãm này, một số sản phẩm Viettel tự so sánh thấy phẩm chất tốt sẽ bán được với doanh số tốt.
Ông thấy được bài học quan trọng gì khi tham quan MWC 2019 và có thể áp dụng được cho Viettel ngay sau đó?
Năm nay, Viettel sang đây với mục đích quan trọng nhất là gặp các đối tác và thể hiện cho họ thấy chúng ta mong muốn bắt kịp với thế giới cùng công nghệ 5G.
Viettel đã được Chính phủ cấp giấy phép thử nghiệm 5G, tức là sẽ phải thử nghiệm rất nhiều thứ, từ công nghệ, tần số, mô hình kinh doanh…, kéo theo đó, việc đầu tiên là phải chọn thiết bị, đối tác, thiết kế cho sản phẩm thử nghiệm. Với nhiệm vụ đầu tiên, nói chung, chúng tôi đã làm được, để có những ý tưởng triển khai 5G thành công trong năm 2019 này.
Ngoài ra, chủ đề của MWC năm nay là kết nối thông minh, chuyển đổi số. Viettel, với chiến lược chuyển đổi số trong ngắn hạn (2019-2020) đã tìm được nhiều ứng dụng cho tiến trình này, ví như các công nghệ trí tuệ nhân tạo, Big data, IoT… Tôi nghĩ, tất cả những cái đó chúng ta đều có thể học được để bắt đầu về triển khai tại Việt Nam.
Viettel trước đây chỉ là công ty viễn thông thôi, nhưng có vẻ các ông đang muốn phát triển thành nhà sản xuất thiết bị?
Tôi nghĩ là chúng tôi có thể làm được. Nhiều công ty ở đây có lẽ chỉ mang theo thiết bị mẫu thôi, có khi chưa có sản phẩm thật, mà để đến khi sản xuất được ra thì còn phải có một thời gian nữa. Nếu mạnh dạn, chúng ta hoàn toàn có thể làm được như vậy.
Thế nhưng quan trọng nhất là các sản phẩm về phần mềm, bởi đây là mảng mà Viettel rất mạnh. Cái Viettel cần là có kịch bản demo rõ hơn để dễ dàng chuyển tải ý đến các khách hàng. Đó là nghệ thuật bán hàng mà chúng tôi cầntiếp tục suy nghĩ, tìm cách, thậm chí, phải tính đến thuê tư vấn./.