CEO Viettel Post đề xuất xây dựng hạ tầng bưu chính dùng chung trên nền tảng số |
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Bộ TT&TT vừa diễn ra ngày 28/12, ông Trần Trung Hưng, CEO Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã nêu lên 3 thực trạng thị trường chuyển phát bưu chính hiện nay đang phải đối mặt đó là: chi phí còn cao, rời rạc trong đầu tư và sự thiếu hụt về đầu tư công nghệ.
Cụ thể, ông Trần Trung Hưng cho biết: Việt Nam hiện nay có tới hơn 420 doanh nghiệp bưu chính được cấp phép, chưa kể rất nhiều doanh nghiệp chưa có giấy phép nhưng vẫn hoạt động dưới dạng chuyển phát hay xe khách có dịch vụ chuyển phát, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt, thậm chí khó kiểm soát. Nếu như 400 công ty này cùng hoạt động trên một lộ trình nhất định thì hạ tầng bưu chính sẽ không thể nào đáp ứng kịp, gây nên tình trạng tắc nghẽn hạ tầng gây ra sự lãng phí nguồn lực rất lớn cho xã hội, dẫn đến hiệu quả và năng suất lao động của ngành bưu chính không được nâng cao.
Trong khi các doanh nghiệp bưu chính thường có cơ chế vận hành tương đối giống nhau nhưng mỗi đơn vị lại thường tự thân đầu tư vào hạ tầng, kho bãi, phương tiện. Đa số các công ty đầu tư quy mô kho nhỏ, vừa thiếu, vừa thô sơ, không đồng bộ; sự liên kết giữa các công ty hết sức lỏng lẻo và chưa có tiếng nói chung đã cho thấy các vấn đề chung của cả ngành bưu chính. Đó là chưa kể đến yêu cầu ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động và số hóa các hoạt động của ngành bưu chính đang được đặt ra cấp thiết. “Do đó, một platform (nền tảng) công nghệ được coi là giải pháp cốt lõi nhất cho bài toán về hạ tầng bưu chính dùng chung", ông Hưng cho hay.
Lãnh đạo Viettel Post cho biết với nguồn lực đầu tư về công nghệ bài bản, Viettel Post đã xây dựng được nền tảng cung cấp ứng dụng (App) để dẫn đường, tối ưu hành trình bằng AI; tạo các hệ quản trị tài chính, báo cáo sản lượng, điều hành bằng trí tuệ nhân tạo. Đồng thời cũng làm chủ công nghệ trong hệ thống Mega Hub với các công nghệ robotics hệ thống kho. Sự đầu tư bài bản này đã giúp Viettel Post giải quyết được các vấn đề tồn tại, góp phần vào sự tăng trưởng của Viettel Post trong những năm qua. Nhưng theo đánh giá của ông Trần Trung Hưng sự phát triển này vẫn còn mang tính đơn lẻ, chưa hình thành một hạ tầng mang tính tổng thể của quốc gia. Ông Hưng cũng cho rằng: "Nếu chỉ một mình Viettel Post sử dụng nền tảng công nghệ này sẽ rất lãng phí".
Viettel Post dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ, xây dựng platform, công nghệ, kết hợp với hạ tầng (kho) để cung cấp ở hai khâu cuối cùng và sẵn sàng chia sẻ để các doanh nghiệp bưu chính khác dùng chung.
Lãnh đạo Viettel Post cũng kiến nghị Chính phủ xem xét triển khai quy hoạch cấp đất để xây dựng các trung tâm kho bãi tại 5 thành phố lớn là Hà Nội , Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ và TP.HCM. Chính phủ có thể kêu gọi nguồn vốn từ chính các doanh nghiệp chuyển phát trong việc xây dựng các trung tâm, kho bãi này.
Cụ thể, các trung tâm/ kho bãi trên toàn quốc có thể hoạt động theo mô hình: Mega lớn- Hub- Sub- Bưu cục- Tuyến phát MyGo, kết nối đa phương tiện vận tải là đường bộ, đường không và đường sắt…Trong đó đường sắt sẽ vận chuyển liên tuyến là chủ yếu, giảm vận chuyển bằng đường bộ đang là gánh nặng của xã hội.
"Tổng Công ty Bưu chính Viettel sẽ trình chính phủ phương án hạ tầng dùng chung chi tiết và cụ thể; Đầu tư hệ thống platform công nghệ trong hạ tầng dùng chung đồng thời đầu tư và vận hành hệ thống robotics trong các trung tâm kho bãi này. Đây là giải pháp thiết thực tạo ra hạ tầng logistics dùng chung và sẽ là nền tảng cho TMĐT trong tương lai phát triển tốt hơn", ông Trần Trung Hưng chia sẻ thêm.