Theo thông báo nhận được, vào lúc 14h23 và 14h49, ngày 27/8/2017, 2 tuyến cáp quang biển IA và AAG cùng xuất hiện cảnh báo đứt cáp, làm ảnh hưởng đến dung lượng kết quốc tế từ Việt Nam hướng đi Hồng Kông.

Tuy nhiên, Viettel khẳng định vẫn có thể sử dụng dịch vụ bình thường bởi ngay sau khi phát hiện sự cố trên. Viettel đã kịp thời định tuyến lưu lượng quốc tế qua các hướng còn lại bao gồm các hướng đất liền qua Trung Quốc, Lào, Thái Lan; tuyến cáp quang biển APG; tuyến AAG nhánh đi Mỹ, Singapore và tuyến IA nhánh đi qua Nhật và Singapore. Sau sự cố trên, dung lượng quốc tế còn lại của Viettel vẫn hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng, thậm chí dung lượng sử dụng tối đa vào khung giờ cao điểm (19h-22h) chỉ chiếm khoảng 80% dung lượng còn lại của Viettel sau khi đứt cáp.

Tính đến hiện tại, Viettel chưa nhận được thông tin từ phía Ban quản trị về nguyên nhân, vị trí đứt cáp chính xác cũng như thời gian khắc phục sự cố.

Trước đó trước thông tin tuyến cáp quang biển bị sự cố, một nhà mạng chia sẻ với ICTnews rằng trong suốt thời gian vừa qua tuyến cáp quang biển AAG đã bị sự cố nhiều nên các nhà mạng đã đầu tư thêm nhiều tuyến cáp biển mới.

Gần đây nhất là ngày 18/2/2017, tuyến cáp AAG xảy ra sự cố đứt cáp cập bờ khu vực Hồng Kông, ảnh hưởng lưu lượng Internet kết nối từ TP.HCM đi quốc tế trên tuyến cáp AAG, làm giảm tốc độ truy nhập Internet tại một số thời gian cao điểm. Phải đến ngày 10/4, tuyến cáp biển AAG mới được khôi phục xong và toàn bộ lưu lượng Internet quốc tế trên tuyến cáp AAG của Việt Nam mới trở lại bình thường.

Trong bối cảnh AAG (Asia America Gateway) - tuyến cáp đóng vai trò quan trọng trong kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế những năm qua liên tục gặp sự cố, việc tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Gateway - APG) chính thức vận hành từ cuối năm ngoái đã được các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp kết nối mạng Internet từ Việt Nam đi quốc tế nhanh và ổn định hơn, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào tuyến cáp biển AAG.

Dự án đầu tư hệ thống cáp quang biển APG thu hút được nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn của châu Á như NTT Docomo (Nhật Bản), China Telecom (Trung Quốc) hay KT (Hàn Quốc)… và có 4 nhà mạng Việt Nam tham gia hợp tác đầu tư gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom. Có chiều dài 10.400 km, tuyến cáp APG đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, kết nối các điểm tại 9 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.